Bến xe khách Hà Nội đìu hiu
Ngày 21/10, Sở Giao thông vận tải cho phép xe khách tại Hà Nội được hoạt động bình thường. Tuy nhiên, cho đến nay, tại nhiều bến xe, xe khách liên tỉnh hầu như không có khách, nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn chỉ hoạt động cầm chừng.
Đại diện các bến xe tại Hà Nội cho biết, sau hơn một tuần hoạt động trở lại, số lượng lượt xe chỉ đạt từ 10 - 15%/ngày, lượng khách trung bình mỗi xe chỉ được từ 10 - 20% so với trước kia.
Theo ghi nhận của phóng viên tại bến xe Giáp Bát, các nhà xe chạy liên tỉnh cũng bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng hầu hết đều ế ẩm, chỉ có số lượng nhỏ hàng hóa từ các tỉnh chuyển về Hà Nội và ngược lại.
Một số nhà xe cho biết các công ty vận tải cũng lo lắng vì hành khách còn vắng và hàng hóa lưu thông giữa các tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn, mỗi đầu xe rời bến sẽ phải bù lỗ từ 2-3 triệu đồng/ngày.
Về vấn đề phòng dịch COVID-19, theo ghi nhận của phóng viên, các bến xe tại Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt. Các hoạt động đo nhiệt độ, khai báo y tế, quét mã QR được đồng thời triển khai.
Theo nhân viên kiểm soát tại bến xe Giáp Bát, để phòng dịch trong những ngày ít khách, bến xe đã đóng hai cửa ra vào, chỉ để duy nhất một cửa cho khách vào để kiểm soát.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết: "Sau thí điểm ngày 13 đến ngày 20/10 chỉ hoạt động xe buýt, từ 21/10 đến nay các phương tiện vận tải liên tỉnh của một số tỉnh đã hoạt động. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh các tỉnh đang diễn biến rất phức tạp nên lưu lượng hành khách vào bến rất thấp. Bình quân hàng ngày chỉ khoảng từ 400 - 500 lượt khách/ngày và chỉ khoảng trên dưới 100 lượt xe/ngày".
Ghi nhận tại bến xe Mỹ Đình, các biện pháp phòng chống dịch được triển khai nghiêm ngặt, đúng quy định. Bến xe bố trí đầy đủ khu vực xét nghiệm y tế cho hành khách, yêu cầu hành khách khai báo y tế qua mã QR Code tại các quầy bán vé và khi lên xe. Tuy nhiên, lượng xe và hành khách vẫn rất ít, chỉ lác đác vài hành khách ra vào bến.
Anh Đinh Văn Sơn (Lào Cai) cho biết, nếu không có việc gấp phải về quê giải quyết thì anh cũng chưa muốn đi thời điểm này bởi tâm lý của anh vẫn ngại đi lại trong thời điểm hiện tại. Trước khi đi anh đã tìm hiểu kỹ các quy định về khai báo y tế và các điều kiện về phòng chống dịch.
Theo ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị này đã xây dựng kế hoạch mở lại vận tải khách, không ban hành tiêu chí riêng.
Đã có 50 địa phương cho phép vận tải liên tỉnh hoạt động
Trao đổi với phóng viên TTXVN ngày 29/10, đại diện lãnh đạo Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, hiện tại tất cả các Sở Giao thông Vận tải trên toàn quốc đã triển khai Quyết định 1812/QĐ – BGTVT-VT và văn bản 11307/BGTVT-VT ngày 20/10/2021 của Bộ Giao thông vận tải về việc phối hợp chỉ đạo triển khai Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đảm bảo thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đến các đơn vị kinh doanh vận tải, các bến xe, trạm dừng nghỉ và các đơn vị có liên quan.
Cụ thể, về hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh (xe buýt, taxi), các Sở Giao thông vận tải cho biết đã được UBND tỉnh cho phép hoạt động và các Sở Giao thông Vận tải đã triển khai hoạt động vận tải nội tỉnh tại địa phương.
Từ ngày 16/10/2021 đến thời điểm hiện tại đã có 27 Sở Giao thông vận tải cho phép xe buýt hoạt động với tổng số 175 đơn vị tham gia, 139.422 số chuyến/tháng theo kế hoạch, số chuyến thực tế là 17.302 số chuyến, với tổng số 550 xe và chở được 103.788 hành khách. Bình quân là 1333 chuyến/ngày, số khách được chở bình quân là 7983 khách/ngày.
Về hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, đại diện lãnh đạo Vụ Vận tải cho hay, đến thời điểm hiện tại tất cả các Sở Giao thông vận tải trên toàn quốc đã xây dựng phương án khai thác tuyến vận tải khách liên tỉnh và gửi lấy ý kiến của Sở đầu kia để triển khai.
Trong đó, đã có 50 Sở Giao thông vận tải đã đưa các tuyến vận tải khách liên tỉnh vào hoạt động với tổng số tuyến đang khai thác là 2.856 tuyến, tổng số chuyến xe hoạt động thực tế là 10.004 chuyến xe, tổng số xe hoạt động là 2.882 xe với tổng số khách là 45.020 khách. Bình quân số chuyến hoạt động là 770 chuyến xe/ngày, với tổng số khách bình quân là 3.463 khách.
Căn cứ theo tình hình cấp độ dịch tại địa phương, hiện còn 13 Sở Giao thông vận tải đang dự kiến trong ngày 30/10 sẽ thực hiện đưa phương án khai thác các tuyến vào hoạt động
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều nhà xe, theo quy định hiện nay, Sở Giao thông vận tải hai đầu tuyến phải thống nhất mới mở lại vận tải khách. Có một thực tế hiện nay là có tỉnh muốn mở lại vận tải nhưng lại không nhận được sự đồng thuận của tỉnh đối lưu, khiến cho nhiều tuyến vận tải liên tỉnh chưa thể hoạt động.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần thay đổi cách làm này, các tỉnh, thành phố đã công bố cấp độ dịch. Những tỉnh, thành phố cấp 1, cấp 2 đã trở lại hoạt động bình thường nên không cần có sự thống nhất, các Sở Giao thông vận tải có thể tự quyết định mở lại vận tải khách và thông báo cho Sở đầu tuyến.
Ông Đào Việt Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, khi mở lại vận tải khách liên tỉnh, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã trao đổi với Sở Giao thông vận tải các tỉnh cấp độ 1 và cấp độ 2 đã trở lại hoạt động bình thường. Tuy nhiên, nhiều địa phương còn e ngại do còn phải kiểm soát dịch. Đơn cử như Phú Thọ và Lào Cai. Bên cạnh đó, do nhu cầu đi lại của người dân chưa cao, vẫn còn tâm lý e ngại di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Còn theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương, tỉnh đã ban hành kế hoạch mở lại vận tải khách cho các lĩnh vực, đường bộ, đường sắt, tuy nhiên lượng khách đi lại rất ít.
“Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với vận tải là lượng khách rất ít và nhiều doanh nghiệp vận tải không duy trì được lái xe, nhiều lái xe bỏ nghề làm việc khác. Nhà xe e ngại vì hoạt động nhưng không có khách. Do đó, trước mắt Hải Dương đề xuất chỉ mở lại vận tải khách từ các tỉnh miền Trung trở ra với 100% tần suất; trong đó đề nghị các Sở xác nhận cấp độ chống dịch. Các tỉnh miền Nam nguy cơ lây lan lớn nên chưa có kế hoạch mở lại vận tải khách”, ông Hạnh cho biết.
Cần gì để vận tải khách ổn định khi mở lại?
Để tháo gỡ khó khăn về vận tải hành khách; trong đó có vận tải hành khách liên tỉnh và vận tải hành khách công cộng bằng đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập 2 đoàn kiểm tra để thúc đẩy việc vận tải hành khách ổn định trở lại.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (Trưởng đoàn Đoàn kiểm tra số 2 của Bộ Giao thông vận tải) vừa hoàn thành kiểm tra việc mở lại vận tải khách tại một số tỉnh, thành phố thông tin, cơ bản các địa phương đã có kế hoạch triển khai và thực hiện khá nghiêm túc mở lại vận tải hành khách theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và các hướng dẫn tổ chức lại vận tải hành khách của các phương thức vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa.
Các Sở Giao thông vận tải đã chủ động báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng công bố cấp độ dịch của tỉnh làm căn cứ tổ chức hoạt động vận tải theo lộ trình các văn bản hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho hay, qua thực tế kiểm tra cho thấy, trong thời gian thí điểm cũng như thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", một số địa phương còn thận trọng trong chấp thuận mở lại các tuyến vận tải đường bộ liên tỉnh. Một số tỉnh như: Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh đã gửi đề nghị tới các địa phương mở lại vận tải khách liên tỉnh nhưng chưa được chấp thuận.
Bên cạnh đó, một số tỉnh vẫn còn khá e dè khi mở lại vận tải khách liên tỉnh với các tỉnh phía Nam. Tỉnh Hải Dương mới chấp thuận mở lại với các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế trở ra...
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, Bộ Giao thông vận tải cần có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thống nhất quan điểm chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải căn cứ vào cấp độ dịch của địa phương đã công bố mở lại vận tải khách liên tỉnh mà không cần có sự chấp thuận của sở đầu tuyến.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, sau gần hai tuần mở lại vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ, lượng khách di chuyển bằng đường sắt, hàng không nhiều hơn đường bộ. Có thể nguyên nhân là do nhiều tỉnh thành phố chưa chấp thuận cho xe khách liên tỉnh hoạt động trở lại. Cùng với đó người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi di chuyển bằng đường bộ trong thời gian này.
Một nguyên nhân nữa đã được ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô chỉ ra là do những thông tin về các biện pháp kiểm soát dịch, điều kiện được đi lại giữa các địa phương chưa được công bố rộng rãi, cập nhật kịp thời đến với người dân….
Vì vậy, các chuyên gia giao thông cho rằng, để mở lại vận tải theo cách bình thường và bền vững, thích ứng an toàn với dịch bệnh, giải pháp căn cơ là cần làm hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao tính tự giác, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về phòng chống dịch, như thực hiện nghiêm 5K, khai báo y tế trước chuyến đi.
Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người dân. Chính phủ, Bộ Y tế đẩy nhanh ngoại giao vaccine, mua vaccine cung cấp cho các địa phương để đạt được mức độ tiêm vaccine, tiến tới trên 70% dân số được tiêm 2 mũi ở tất cả các địa phương.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho hay, để vận tải khách ổn định khi mở lại, các địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ; trong đó thống nhất quan điểm của Chính phủ chỉ sử dụng phần mềm PC-COVID trong toàn bộ các hoạt động kiểm soát y tế, không chỉ trong vận tải mà ở các trung tâm thương mại, điểm dịch vụ đều phải có mã QR Code và khai báo qua PC-COVID.
Đồng thời, cung cấp dữ liệu cho y tế cơ sở, có thông tin kiểm soát dịch của công dân di chuyển giữa các địa bàn kịp thời, chính xác cho y tế cơ sở kiểm soát.