'Dè dặt' vận tải hành khách liên tỉnh

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo Chính phủ đánh giá tình hình thí điểm vận tải hành khách đường bộ, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 từ ngày 13-20/10. Đáng chú ý, do đội ngũ lái, phụ xe cả nước chưa được tiêm đủ liều vaccine, nên hầu hết các doanh nghiệp vận tải vẫn "dè dặt" đăng ký.

Vắng khách, doanh nghiệp "thờ ơ"

Bộ GTVT đã cho phép thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh từ ngày 13-18/10, nhưng mới có 38 địa phương đồng ý mở lại và lượng hành khách đi xe vắng, các doanh nghiệp vận tải cũng tỏ ra e dè. Nguyên nhân chính theo rà soát của của Bộ GTVT là do nhiều tỉnh, thành phố chưa thống nhất công bố cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Thống kê, các địa phương triển khai hoạt động xe khách liên tỉnh có gần 800 tuyến, nhưng chỉ có gần 600 tuyến chạy, với hơn 1.000 chuyến/ngày, chở hơn 5.600 khách, bình quân mỗi chuyến xe chở khoảng 8 hành khách. 

Chú thích ảnh
Từ ngày 12/10, bến xe Giáp Bát (Hà Nội) đã triển khai các biện pháp sẵn sàng đón xe và hành khách trở lại bến. Ảnh: Lê Phú.

Theo lãnh đạo các Sở GTVT, hiện các tuyến vận tải khách đã được mở lại, doanh nghiệp có thể khai thác tất cả các tuyến. Tuy nhiên, các nhà xe vẫn chưa sẵn sàng do ảnh hưởng sâu từ đợt dịch thứ 4, cộng với lượng khách đi lại hạn chế và sự thiếu thống nhất cấp độ dịch của các địa phương đầu - cuối tuyến vận tải.

Đơn cử, ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Nghệ An cho biết, việc mở tuyến từ Nghệ An đi các tỉnh vẫn gặp khó, do các sở liên quan vẫn chưa có ý kiến thông báo cho phép mở lại. Thêm vào đó, bản thân các doanh nghiệp chưa mặn mà, vì chưa thể sàng lọc hành khách vùng dịch, vùng nguy cơ cao. Vì vậy, các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần sớm xây dựng bản đồ thông tin dịch tễ chung toàn quốc.

Về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) cho hay, thời gian thí điểm ngắn, nên lượng hành khách giữa hai đầu bến ít, nhiều tuyến xe hoạt động, nhưng không có khách do tâm lý còn e ngại. Bên cạnh đó, các địa phương hiện khó thực hiện quy định lái, phụ xe phải tiêm đủ liều vaccine, hầu hết đội ngũ này hiện mới chỉ được tiêm 1 liều, không đáp ứng điều kiện để hoạt động thí điểm. Trong khi đó, việc công bố cấp độ dịch tại các địa phương chưa kịp thời, dẫn đến việc tổ chức hoạt động vận tải hành khách lúng túng. 

Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nhu cầu đi lại bằng vận tải liên tỉnh của người dân sau khi nới lỏng giãn cách còn thấp. Theo chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của Bộ GTVT, điều kiện đi lại của người dân đã được điều chỉnh thông thoáng hơn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhưng hành khách vẫn còn e dè các điều kiện an toàn thích ứng. 

Tháo gỡ như thế nào?

Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô Điện Biên, với tần suất được chạy 30% số chuyến, trong một tuần thí điểm, doanh nghiệp chỉ được chạy một chuyến xe Điện Biên - Hà Nội với lượng khách đạt 15% tải trọng. Các nhà xe ở địa phương này muốn chạy, nhưng không có khách, thu không đủ bù chi trả lương, chi phí xét nghiệm lái xe và không được hỗ trợ từ tỉnh, nên không ít doanh nghiệp nản lỏng...

Nhiều địa phương trong hoàn cảnh tương tự đều mong muốn những khúc mắc này cần sớm được các địa phương quan tâm tháo gỡ, mới có thể phục hồi vận tải hành khách đường bộ hiện nay.

Bà Phan Thị Thu Hiền cho rằng, Bộ Y tế cần sớm chỉ đạo Sở Y tế các địa phương công bố kịp thời cấp độ dịch trên trang thông tin điện tử của Bộ, để các Sở GTVT tra cứu và thống nhất tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh; đồng thời, các địa phương có kế hoạch khẩn trương tiêm vaccine cho lái xe, đảm bảo nhân sự cho tổ chức vận tải.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ GTVT đã rà soát lại và ban hành quy định mới phù hợp với mục đích, yêu cầu, nội dung, giải pháp của Nghị quyết. Đặc biệt là phù hợp với những quy định mới của Bộ Y tế thể hiện ở Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP. 

Sau khi Nghị quyết 128/CP ra đời, Bộ GTVT đã ban hành các quyết định hướng dẫn về vận tải khách đường bộ. Trên cơ sở Quyết định 4800/BYT, Bộ GTVT cũng cụ thể hóa với các lĩnh vực cụ thể của ngành. Đây là cơ sở để các địa phương áp dụng thực hiện đồng bộ trên cả nước, nhất là lĩnh vực vận tải. Trong quá trình tổ chức thực hiện, vấn đề kiểm soát, theo dõi, kiểm tra hết sức quan trọng, nếu không tổ chức tốt, nhắc nhở kịp thời thì dễ tạo những xung đột mới, điểm nghẽn mới và sẽ tạo ra bức xúc của người dân và dư luận.

"Bộ GTVT đang đánh giá lại, sau ngày 20/10 sẽ có hướng dẫn thích ứng được ban hành theo tinh thần Nghị quyết 128/CP, trong đó có thể tăng về tần suất hoạt động vận tải đường bộ. Quy định của Bộ Y tế đã rõ ràng, nhưng cần tránh tình trạng các chốt mỗi nơi một kiểu, một quan điểm thực hiện. Các địa phương cũng phải sớm công khai cấp độ dịch để vận tải được thông suốt", Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.

Chú thích ảnh
Vân Sơn/Báo Tin tức
Hướng dẫn mới về tổ chức vận tải đường bộ
Hướng dẫn mới về tổ chức vận tải đường bộ

Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải nói chung và vận tải đường bộ nói riêng của Bộ Giao thông vận tải nhằm khôi phục lại hoạt động vận tải phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19, đưa đời sống sinh hoạt của người dân dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN