Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - cần quyết liệt triển khai

Chỉ số tồn kho cao, chỉ số sản xuất công nghiệp thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, xuất khẩu bị cạnh tranh gay gắt nhưng Đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chờ hoàn thiện để phê duyệt triển khai.

 

Vì vậy, để cứu doanh nghiệp trước khi quá muộn, bên cạnh sự nỗ lực, chủ động vượt khó khăn của từng doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và bộ, ngành chức năng cần sớm được phê duyệt và triển khai quyết liệt vào thực tế!

 

Thách thức giảm hàng tồn kho


Tại giao ban trực tuyến sản xuất kinh doanh của Bộ Công Thương sáng 6/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Tại thời điểm ngày 1/7, chỉ số hàng tồn kho của ngành công nghiệp chế biến mặc dù đã giảm so với các tháng trước, nhưng vẫn tăng tới 21% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số cho thấy mục tiêu giảm hàng tồn kho, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất vẫn là thách thức lớn đối với toàn ngành, nhất là khi khủng hoảng kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.


 

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng phải cắt giảm sản xuất khi tiêu thụ than trong nước giảm sút. Ảnh: Đình Trân - TTXVN

Lý giải về những khó khăn thực tế trong nhiệm vụ giải phóng hàng tồn kho, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Vinh Nhung chỉ rõ: Muốn giải phóng hàng tồn kho, giải pháp hữu hiệu nhất trong thời điểm này là giảm mạnh giá bán để thu hút người tiêu dùng.


Thực tế cho thấy trong giải phóng hàng tồn kho, doanh nghiêp thậm chí có thể giảm giá tới 90% để thu hồi vốn và nhanh chóng quay lại tái sản xuất. Tuy nhiên, việc giảm giá mạnh này khó thực hiện bởi vướng phải các quy định không còn phù hợp với thực tế về ngưỡng khuyến mãi của Nghị định số 37/2006/NĐ - CP ngày 4/4/2006 của Chính phủ.


Trong khi đó, các cứu cánh để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt là chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn và phong trào người Việt dùng hàng Việt vẫn mang tính chất hô hào, hình thức, chưa đi vào đời sống thực sự do chưa đánh trúng vào tâm lý của các đối tượng tiêu dùng. Người tiêu dùng thu nhập thấp chỉ quan tâm tới yếu tố giá, trong khi người tiêu dùng thu nhập cao thì quan tâm số một là chất lượng hàng hóa, ông Nhung khẳng định.


Hàng tồn kho tăng cao không chỉ là khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà ngay cả tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước là Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đang phải cắt giảm sản xuất khi tiêu thụ than trong nước giảm sút, xuất khẩu không được. Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên cho biết: Tháng 7 vừa qua, TKV chỉ tiêu thụ được 2 triệu tấn than, trong đó xuất khẩu là 300.000 tấn, bằng 25% các tháng trước, tiêu thụ trong nước đạt 1,7 triệu tấn, bằng 75% so với các tháng trước. Tồn kho than đến hết tháng 7 là 9 triệu tấn, tương đương với hàng chục tỷ đồng. Vì vậy, TKV đã phải cắt giảm kế hoạch sản xuất than sạch cả năm từ 45,5 triệu tấn xuống chỉ còn 39 triệu tấn. Và hệ lụy không mong muốn là TKV có 20.000 lao động dôi dư không có thu nhập.

 

Quyết liệt triển khai các giải pháp


Đề xuất các giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam kiến nghị: Trong tình hình tiêu thụ cao su khó khăn do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước và dự báo giá cao su thế giới tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính cần tạm thời hoãn thuế xuất khẩu với một số chủng loại sản phẩm cao su thiên nhiên, giúp doanh nghiệp tiếp tục mở rộng chủng loại sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.


Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính tính toán lại khoản thuế tài nguyên môi trường áp với mặt hàng túi ni lông bao bì bởi giá cao su xuất khẩu đang bị đội lên cao khi 1 tấn cao su xuất khẩu cần 6 - 7 kg ni lông bao bì.


Ngoài ra, việc áp thuế này cũng phải tính toán lại để tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong khu chế xuất và doanh nghiệp hoạt động ngoài khu chế xuất. Đại diện TKV đề xuất Chính phủ và Bộ Công Thương giảm thuế xuất khẩu than từ mức 20% xuống mức 10% nhằm giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Khi thị trường phục hồi có thể tăng lại thuế xuất khẩu như năm 2009.


Đề xuất các giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, ông Trần Vinh Nhung khẳng định: Doanh nghiệp tổ chức tốt hệ thống phân phối như trường hợp của Công ty thực phẩm Visan thì giải quyết hàng tồn kho sẽ dễ hơn.


Bên cạnh đó, việc tổ chức tiêu thụ hàng hóa theo phương thức hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại cần phát triển song song với mạng lưới các cửa hàng tiện lợi, đưa hàng về nông thôn cũng như mô hình bán hàng trực tuyến, thương mại điện tử với cơ chế kiểm soát chặt chẽ.


Đặc biệt, cùng với tăng cường xúc tiến thương mại, bán hàng khuyến mại, Chính phủ cần sớm sửa đổi cơ chế khuyến mãi theo Nghị định 37 phù hợp với điều kiện thực tế, giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho nhanh chóng.


Ghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp và đại diện các cơ quan liên quan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: Trong điều kiện Chính phủ chưa điều chỉnh các mục tiêu kế hoạch năm 2012, các bộ, ngành cần quyết liệt triển khai nhiệm vụ, không nên để có độ trễ trong chính sách. Theo đó, cùng với sự chủ động của từng doanh nghiệp, các hiệp hội cần kiến nghị kịp thời với Bộ Công Thương và Chính phủ các giải pháp cụ thể nhằm giải phóng hàng tồn kho, tăng cường tiêu thụ hàng hóa.

 

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính tăng kinh phí xúc tiến thương mại năm 2012 lên mức 100 tỷ đồng như mọi năm để hỗ trợ hiệu quả hơn hoạt động xúc tiến thương mại, giúp mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm cả ở trong và ngoài nước. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, ngay trong tuần tới, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện Đề án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trình Chính phủ ban hành để triển khai.


Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, các vụ chức năng của Bộ Công Thương cần bám sát doanh nghiệp, xử lý, tháo gỡ các khó khăn kịp thời, cũng như ban hành ngay các chính sách cần thiết trong phạm vi thẩm quyền để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong các vấn đề như: Thúc đẩy tiêu thụ xi măng, sắt thép, mua tạm trữ cá tra, basa. “Mỗi vụ chức năng, mỗi cơ quan quản lý cần khắc phục cách làm việc hành chính hiện nay để sát cánh cùng doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trước khi quá muộn”, ông Hoàng kết luận. Ngay trong tuần này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng sẽ có các buổi làm việc với các hiệp hội, ngành hàng, một số tập đoàn, tổng công ty để nắm bắt tình hình và bàn giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

 


Nguyễn Kim Anh

Vẫn tăng giá nhiên liệu, vẫn cứu doanh nghiệp
Vẫn tăng giá nhiên liệu, vẫn cứu doanh nghiệp

Việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu quan trọng như xăng dầu, điện, gas trong bối cảnh DN đang đối mặt với nhiều khó khăn khiến dư luận lo ngại khó khăn đối với DN sẽ càng lớn hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN