Cùng doanh nghiệp 'vượt khó'

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh có khoảng 12.760 doanh nghiệp (DN) mới được thành lập (tăng gần 5% so với cùng kì). Điều này cho thấy bên cạnh hàng ngàn DN phải phá sản, ngưng sản xuất thì vẫn còn nhiều DN “sống ổn” nhờ áp dụng nhiều giải pháp vượt khó hiệu quả; đồng thời cũng nhận được nhiều sự chia sẻ, hỗ trợ từ cộng đồng.

 

Nỗ lực tự thân


Thực tế cho thấy, nhiều DN do nắm bắt được khó khăn của thị trường nên đã chủ động nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và giảm giá sản phẩm… để kích cầu tiêu thụ và thu hút được nhiều khách hàng.


 

Trong tình hình kinh tế khó khăn chung, DN nên chủ động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để “vượt khó”.

 

Ông Điền Quang Hiệp, Giám đốc Công ty đồ gỗ Mifaco cho biết: Trước khi chờ những chính sách của Nhà nước “cứu” mình, chính DN nên có những giải pháp cụ thể để “tự” cứu mình trước. Chẳng hạn như để tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường cần nâng cao năng suất lao động. Trước kia để xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 10 triệu USD, DN phải cần tới 5.000 công nhân, nhưng nay cũng với lượng hàng hóa tương đương, DN chỉ cần 650 công nhân. Bên cạnh đó, chúng tôi còn chủ động họp bàn với các nhà cung cấp để thương lượng việc giảm giá đầu vào nhằm giữ đơn hàng. Đồng thời, thực hiện nhiều chương trình giảm giá cho khách hàng để kích cầu tiêu thụ. Do đó, dù sống trong thời kì kinh tế khó khăn mà DN vẫn kinh doanh có hiệu quả và “sống khỏe”.


Tuy nhiên, ông Trương Trung Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư Chợ Lớn, cho rằng: “Để giữ vững ổn định kinh doanh sản xuất trong thời kì kinh tế khó khăn, chúng tôi luôn chú trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, với sản phẩm chất lượng tốt chúng ta sẽ giữ được thị trường và tạo được uy tín với khách hàng. Hiện, công ty chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản như cà phê, hạt điều, bắp vàng… và các loại thực phẩm chế biến như nước chấm, gia vị… sang những thị trường châu Âu, Nga, Nhật…”.


Nhiều DN lại chọn giải pháp đầu tư ổn định sản xuất trong hiện tại để tích lũy cho phát triển trong tương lai. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Intimex Việt Nam cho biết: Không DN nào là không gặp khó khăn trong kinh doanh và sản xuất vì ảnh hưởng suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, để tăng lợi nhuận trong tương lai, DN phải ổn định sản xuất ở hiện tại. Do đó, DN cần tránh các rủi ro thông qua việc phối hợp liên kết với những DN ít rủi ro hoặc mua lại những DN đang rủi ro để cùng tồn tại hoặc có thể kết hợp với DN nước ngoài để duy trì tăng trưởng, giữ khách hàng. Nhờ những giải pháp trên mà việc kinh doanh của công ty phát triển liên tục. Năm 1999, kim ngạch xuất khẩu của Intimex là 23 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2012 đạt gần 500 triệu USD và dự kiến sẽ đạt 1 tỉ USD trong năm nay.

 

Đồng hành


Bên cạnh việc DN tự nỗ lực, vượt khó trước tác động của suy thoái kinh tế, chính quyền, các cấp ban ngành TP Hồ Chí Minh cũng đã chủ động tìm nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Cụ thể, về chính sách miễn, giảm, giãn thuế trên địa bàn, TP dự kiến sẽ giúp 56.100 lượt DN, cá nhân được hỗ trợ với số tiền là 4.669 tỉ đồng. Về hỗ trợ vốn cho DN, hiện có khoảng 4.200 DN được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo 4 lĩnh vực ưu tiên (phát triển nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ) với tổng số dư nợ trên 20.000 tỉ đồng. Đã có 406 dự án của các DN được hỗ trợ đổi mới trang thiết bị, mở rộng sản xuất, với tổng số vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 10.745 tỉ đồng. UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường nước ngoài như Lào, Campuchia, Mianma… và kí kết chương trình hợp tác kinh tế - xã hội với 34 tỉnh, thành phố trong cả nước, theo đó, có hơn 500 DN của TP đã kí kết hợp tác tại các địa phương, đầu tư 548 dự án với tổng giá trị ước đạt khoảng 116.723 tỉ đồng…


Ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng: Để tháo gỡ khó khăn cho các DN trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác tiếp xúc (2 lần/tháng), nắm bắt kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho DN. Cần tiến hành rà soát các dự án đầu tư, tập trung nguồn vốn cho các công trình có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả cao, không đầu tư dàn trải. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, gắn phát triển sản xuất với phát triển hệ thống phân phối và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lí các trường hợp vi phạm.



Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

TP. Hồ Chí Minh Kiên quyết mục tiêu tăng trưởng 10%
TP. Hồ Chí Minh Kiên quyết mục tiêu tăng trưởng 10%

Dù mục tiêu tăng trưởng cả nước năm nay chỉ 5-6% nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 10%. Để đạt được mục tiêu này, thành phố quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết những khó khăn trong tình hình chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN