Ông Nguyễn Thanh Xuân ở ấp Thới An B, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền (tỉnh Cần Thơ) trở thành tỷ phú nhờ nuôi cá trê vàng lai. Mỗi năm ông nuôi 3 vụ, thu lãi trên 2 tỷ đồng. Riêng vụ đầu năm 2014, ông thu lãi trên 650 triệu đồng.
Ông Xuân cho biết: Theo hướng dẫn của các chuyên gia Khoa Thủy sản Đại học Cần Thơ và Chi Cục Thủy sản Cần Thơ, từ năm 2011, ông đã đào trên 2 ha đất nhà chia thành 8 ao (mỗi ao rộng khoảng 2.000 m2) để nuôi cá trê vàng lai. Mực nước trong ao sâu từ 1- 1,2 mét, được đào dốc dần để dẫn nước vào và thoát nước dễ dàng.
Trước khi thả cá, ông sử dụng phân chuồng để gây màu nước, tạo phiêu sinh vật cho cá non ăn. Sau khi bón phân, khoảng 3 - 4 ngày nước trong ao có màu xanh, chứng tỏ đã xuất hiện nhiều phiêu sinh vật ông tiến hành thả cá giống với mật độ 40 con/m2. Ngoài thức ăn công nghiệp, ông cho cá non ăn thêm trứng nước hoặc giun chỉ, cá biển hấp hoặc cá biển luộc bóp nhuyễn, cám nấu chín, mỗi ngày từ 4 - 5 lần.
Sau khi cá non được 15 ngày tuổi, ông Xuân chuyển sang cho cá ăn thức ăn dành cho cá thương phẩm là sản phẩm công nghiệp và phụ phẩm từ cá, tôm, cám gạo, bột ngô... là những thứ rất dễ tìm mua trên thị trường. Cá trê vàng lai là giống ăn tạp và háu ăn, ít bệnh nên dễ nuôi.
Theo hướng dẫn của các chuyên gia thủy sản thì lượng thức ăn cho cá ăn trong ngày phải bằng 10 - 15% trọng lượng con cá. Nhưng bằng kinh nghiệm riêng, ông Xuân có cách đơn giản hơn để theo dõi và biết lượng thức ăn thiếu hay thừa. Từ đó, ông điều chỉnh, không để có thức ăn dư thừa trong ao vì sẽ gây ô nhiễm nước. Mỗi tuần, ông bổ sung thêm vitamin C với lượng 50 - 100g/100 kg thức ăn cho cá chóng lớn hơn.
Trong quá trình nuôi, có khoảng 5 – 10% số cá bị nhiễm một trong các bệnh: nhầy da, trắng da khoang thân, trùng quả dưa. Đối với từng bệnh, ông có cách điều trị thích hợp và cá đều khỏi bệnh. Nhờ được chữa trị kịp thời, đúng cách, bệnh không bùng phát thành dịch, đàn cá không bị hao hụt.
Vụ đầu tiên trong năm 2011, sau 3 tháng rưỡi nuôi, ông thu hoạch được 150 tấn cá, mỗi con nặng từ 250 – 300g. Bán sô cho thương lái tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến tận ao mua với giá 30.000 đồng/kg, ông thu được 4,5 tỷ đồng, trong đó lãi ròng 800 triệu đồng.
Tuân thủ khuyến cáo của cán bộ thủy sản, sau một vụ nuôi ông cải tạo ao để diệt mầm bệnh. Ông Xuân tháo hết nước trong các ao và diệt khuẩn bằng dây thuốc cá (5 kg/1000m 2). Sau đó ông rải vôi bột để diệt khuẩn triệt để với liều 150 kg/1000 m2 và phơi đáy ao từ 3 - 5 ngày, bảo đảm không trong ao không còn mầm bệnh thì cho nước từ sông vào để nuôi cá tiếp tục. Với cách làm trên, trong 2 vụ còn lại trong năm 2011, ông Xuân nuôi thành công và thu hoạch tổng cộng 320 tấn cá thương phẩm, doanh thu đạt 9,6 tỷ đồng, trong đó lãi ròng 1,5 tỷ đồng.
Từ năm 2011 đến năm 2013, năm nào ông Xuân nuôi cũng thành công. Cá không bị nhiễm bệnh, lại chóng lớn, thu hoạch được từ 500 – 520 tấn cá thương phẩm mỗi năm. Từ năm 2012 đến nay, do giá thức ăn và các chi phí khác tăng nhưng giá cá bán ra không tăng nên lợi nhuận có giảm chút ít nhưng trừ hết chi phí nạo vét, vệ sinh ao, cá giống, thức ăn, thuốc thú y, công chăm sóc… Mỗi năm ông Xuân đều thu lãi 2 tỷ đồng.