Thanh Hóa xếp hạng thêm 24 sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2021.

Chú thích ảnh
Trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa. Ảnh minh họa: Hoa Mai/TTXVN

Theo đó, đợt này tỉnh Thanh Hóa có 24 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng và 1 sản phẩm đăng ký nâng sao của 14 huyện, thị xã, thành phố. Các sản phẩm được đề nghị công nhận sản phẩm OCOP lần này được đánh giá quy mô sản xuất của các chủ thể đều đạt từ trung bình trở lên, có xu hướng phát triển tốt, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Trong số 24 sản phẩm được xếp loại lần này có 8 sản phẩm được để lại hoàn thiện tiêu chí từ lần chấm điểm đợt 1. Quá trình chấm điểm, đánh giá, có 4 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao, gồm: Đôn cói Việt Trang của Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất khẩu Việt Trang (Nga Sơn); Trống đồng Quý Châu của Công ty trách nhiệm hữu hạn đúc đồng truyền thống Đông Sơn Chè Đông; Trống đồng Toàn Linh của Công ty trách nhiệm hữu hạn phục hồi nghề đúc đồng thủ công truyền thống làng Trà Đông (Thiệu Hoá) và Nước lau sàn FUWA3e của Công ty trách nhiệm hữu hạn FUWA Biotech (thành phố Thanh Hoá).

Các sản phẩm: mắm tôm và mắm tép của Công ty trách nhiệm hữu hạn Khuê Các (Hoằng Hoá), trà cà gai leo túi lọc (Triệu Sơn) và chổi đót Nông Phú của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Nông Phú (Vĩnh Lộc) đạt chất lượng 3 sao.

Đối với 16 sản phẩm mới, có 3 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao, gồm: dưa vàng Nam Giao của hợp tác xã Nông nghiệp Tây Đô (Vĩnh Lộc), thực phẩm bảo vệ sức khoẻ TODIKA, Đông trùng hạ thảo ký chủ nhộng tằm của Công ty cổ phần Thảo Ngọc Việt (thị xã Nghi Sơn) và 13 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao.

Ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới cho biết, được triển khai từ năm 2018, đến tháng 6/2021, tỉnh Thanh Hóa đã có 76 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên và 1 sản phẩm nằm trong danh mục 20 sản phẩm OCOP quốc gia. Sau khi được cấp sao cho sản phẩm, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều mở rộng quy mô sản xuất, có sức lan tỏa lớn và được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao. 

Để chương trình phát triển bền vững và hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm, thực hiện nghiêm ngặt các bước đánh giá, xếp hạng bảo đảm đúng quy trình, tiêu chuẩn chất lượng. Theo kế hoạch, năm 2021, tỉnh Thanh Hóa sẽ phát triển mới thêm 80 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Dựa trên đăng ký của các huyện, thị xã, thành phố, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh tiến hành rà soát, kiểm tra thực tế sản xuất, hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm về quy mô, chất lượng, khả năng tiếp cận thị trường và những thủ tục cần thiết để tham gia chương trình.

Sau khi đăng ký sản phẩm, các đơn vị sản xuất sẽ xây dựng phương án, kế hoạch và triển khai thực hiện. Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm và chuyển hồ sơ lên hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp tỉnh đánh giá chứng nhận sao; trên cơ sở đó sẽ hỗ trợ và xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Đối với những sản phẩm đang có lợi thế, có nhãn hiệu, việc thực hiện đúng chu trình 6 bước sẽ không mất nhiều thời gian, nhưng đối với những sản phẩm mới đòi hỏi phải làm chặt chẽ, mất nhiều thời gian hơn…

Khiếu Tư (TTXVN)
Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 400 sản phẩm OCOP trong năm nay
Hà Nội đặt mục tiêu có thêm 400 sản phẩm OCOP trong năm nay

Để thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thành phố Hà Nội năm 2021 đạt hiệu quả cao, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP thành phố năm 2021 với 8 nội dung chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN