Thanh Hóa: Cần sớm giải quyết tình trạng bồi lắng tại các cảng cá

Do nhiều năm chưa được nạo vét nên luồng lạch vào các cảng cá trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hầu hết đều bị bồi lắng, gây khó khăn không nhỏ cho việc ra vào cảng của các phương tiện tàu thuyền của ngư dân.

 

Chú thích ảnh
Cảng cá Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa bị bồi lắng ngày càng nghiêm trọng, phía bên là tình trạng lấn chiếm hành lang đê. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Có 102 km bờ biển và vùng lãnh hải rộng gần 17.000 km2, tỉnh Thanh Hóa có hơn hàng nghìn tàu thuyền tham gia khai thác hải sản với sản lượng hàng năm đạt hàng trăm nghìn tấn. Để đáp ứng nhu cầu mua bán hải sản, tránh trú bão của các phương tiện, nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cảng cá, khu neo đậu tàu, thuyền. Tuy nhiên, do nhiều năm chưa được nạo vét nên luồng lạch vào các cảng cá trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hầu hết đều bị bồi lắng, gây khó khăn không nhỏ cho việc ra vào cảng của các phương tiện tàu thuyền của ngư dân.

Luồng lạch bồi lắng, ngư dân gặp khó

Là cảng cá lớn ở Thanh Hóa, nhiều năm qua, cảng cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) là địa điểm neo đậu tàu thuyền và trao đổi hàng hóa, tránh trú bão lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Tuy nhiên, thời gian gần đây cửa lạch bị bồi lắng ngày càng nghiêm trọng đã gây khó khăn cho không ít tàu thuyền ra vào neo đậu.

Việc nạo vét, khơi thông luồng lạch khu vực của lạch không được thực hiện thường xuyên, gây ra hiện tượng bồi lắng cục bộ ở nhiều vị trí như cửa lạch, khu vực luồng vào cảng cá, khu vực âu tránh trú bão. Đặc biệt tại khu vực này còn tồn tại dải đá ngầm trong luồng chạy tàu và trong lòng âu cảng cá, làm cạn và thu hẹp luồng lạch, gây khó khăn cho tàu thuyền của ngư dân khi ra vào trao đổi hàng hóa cũng như tránh trú bão.

Ngư dân Nguyễn Khắc Cường, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn chia sẻ, những hôm nước cạn, tàu phải nằm ngoài biển chờ nước lên mới cho tàu vào, hoặc có tàu lôi mới vào được. Giờ chỉ mong nhà nước nạo vét luồng lạch cho tàu khơi thông, ra vào thuận tiện.

Do cảng cá bồi lắng, tổng lượt tàu thuyền cập cảng, tổng lượt xe ra vào, tổng lượng hàng thủy sản và tổng lượng hàng hóa qua cảng đều giảm từ 24-31% so với cùng kỳ năm trước. Trong 3 năm trở lại đây, hầu hết số tàu thuyền của các tỉnh lân cận thường xuyên neo đậu, bốc dỡ, trao đổi hàng hóa tại cảng cá này đã chuyển sang ngư trường khác để hoạt động. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá của địa phương.

Ông Trần Trần Văn Sơn - Chủ tịch UBND phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn băn khoăn, trong những năm qua đường vào cũng như luồng lạch tại cảng Lạch Bạng bị bồi lắng, nguy cơ cho tàu thuyền mắc cạn rất lớn. Hàng năm đều có tàu thuyền bị mắc cạn được lực lượng chức năng kéo vào bờ. Đề nghị các cấp, ngành sớm triển khai chủ trương nạo vét luồng lạch khu tàu thuyền ra vào tránh bão vào cảng cá Lạch Bạng để phát triển nghề cá ở địa phương.

Tương tự, cảng cá Lạch Hới (phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) được xây dựng từ năm 2003, có khả năng tiếp nhận tàu từ 1.000 CV trở xuống, công suất bốc xếp đạt 400 tấn hải sản/ngày. Đây cũng là nơi có âu tránh trú bão với diện tích hơn 40 ha, sức chứa 700 phương tiện tàu thuyền.

Tuy nhiên, do không được nạo vét nên vùng nước trước cảng Lạch Hới bị bồi lắng; trong đó có những vị trí sát chân cầu cảng mức bồi lắng cao trên dưới 1m, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian làm dịch vụ của tàu, giảm năng lực, giảm công suất bốc xếp tại cảng. Bên cạnh đó, hàng năm do mưa lũ trên thượng nguồn đổ xuống với lượng phù sa lớn, độ bồi lắng mỗi năm khoảng từ 30 - 50 cm và không được nạo vét, khơi thông luồng lạch thường xuyên đã gây ra hiện tượng bồi lắng cục bộ ở nhiều vị trí như cửa luồng vào cảng cá Lạch Hới và âu tránh trú bão, gây khó khăn và nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào, nhất là khi vào tránh trú bão, tàu thuyền phải đợi nhiều giờ để chờ nước thủy triều lên mới vào được, có tàu đã bị mắc cạn làm cản trở các tàu khác vào neo đậu. 

Ngư dân Nguyễn Hữu Hải, chủ tàu TH-93777-TS (phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) cho biết, luồng lạch ở cảng Lạch Hới đã lâu chưa được nạo vét nên tàu cá ra vào rất khó khăn, phải phụ thuộc nhiều vào con nước mới ra, vào được nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, bốc dỡ thủy hải sản. Ngư dân mong nhà nước sớm khơi thông luồng lạch để tàu thuyền ra vào thuận tiện để yên tâm vươn khơi, bám biển.

Ngoài ra, hệ thống cầu cảng tại cảng cá Lạch Hới có thiết kế lạc hậu, được nâng cấp từ cầu tàu 33CV trước đây nên cũng không đáp ứng được năng lực tàu cá hiện tại, nhất là tàu đóng mới theo Nghị định 67/NĐ-CP. Theo Ban Quản lý cảng cá Thanh Hoá, để cảng cá Lạch Hới hoạt động có hiệu quả, các cấp, các ngành chức năng cần có phương án đầu tư mở rộng cảng, kéo dài cầu cảng, đồng thời, tiến hành nạo vét luồng lạch vào cảng, nạo vét vùng trước cảng đảm bảo mức nước ban đầu là 3,8 - 4.3 m để thuận lợi cho tàu thuyền ra vào, không phụ thuộc thuỷ triều, góp phần tăng năng lực bốc xếp tại cảng và âu, đáp ứng yêu cầu của cảng loại I.

Cấp bách đầu dư dự án nạo vét cảng cá 

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 8 cảng cá, bến cá và 4 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá ở các địa phương ven biển; trong đó, 3 cảng cá đã được UBND tỉnh công bố cảng cá loại II là cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), cảng cá Lạch Hới (thành phố Sầm Sơn), cảng cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) có sức chứa từ 700 tàu đến 1.000 tàu cá. Đây cũng là 3 cảng cá đủ điều kiện cho tàu cá hoạt động từ vùng khơi trở ra cập cảng và cho tàu cá nước ngoài có chiều dài từ 46m đến 46,86m cập cảng bốc dỡ hàng hóa và tránh trú bão. Tuy nhiên, trên thực tế, các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng từ lâu và chưa được quan tâm nâng cấp, mở rộng.

Công suất các cảng cá thiết kế chỉ đáp ứng 390 - 450 lượt tàu cá có công suất tối đa là 300 - 400 CV/tàu; tiếp nhận cùng lúc được từ 48 - 75 tàu cá (chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên) vào xếp dỡ hàng hóa, trong khi đó, quy mô sản xuất, đánh bắt hải sản của ngư dân ngày càng phát triển, đã đóng mới, nâng cấp nhiều tàu cá hiện đại, quy mô, công suất lớn dẫn đến các cảng cá bị quá tải. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều hạng mục công trình tại các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá bị xuống cấp, luồng lạch ra vào cảng, khu neo đậu bị bồi lắng, chưa đáp ứng được nhu cầu neo đậu, bốc dỡ sản phẩm, khó khăn cho tàu cá ra vào cảng. Nhiều tàu cá công suất lớn trên địa bàn các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn... phải ra các cảng cá tỉnh ngoài để bốc dỡ sản phẩm.

Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Thanh Hoá cho biết, do luồng lạch quá cạn nên tàu cá ra vào các cảng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hầu hết đều phụ thuộc vào thủy triều, chỉ hoạt động được 4-5 giờ/ngày, khiến ngư dân rất bị động trong việc ra vào cảng, nhất là tàu công suất lớn. Trước tình trạng này, Ban Quản lý cảng cá Thanh Hóa cũng đã có tờ trình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa về việc đầu tư dự án nạo vét, duy tu bảo dưỡng và bổ sung các hạng mục còn thiếu để ổn định cuộc sống cho ngư dân.

Để đảm bảo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền nghề cá ra vào cảng cá để tránh, trú bão an toàn cũng như bốc xếp thủy, hải sản và tiếp cận các dịch vụ hậu cần nghề cá, đầu tháng 9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án nạo vét, thanh thải dải đá ngầm luồng tàu khu vực cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) với tổng mức đầu tư 69,8 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong 3 năm từ 2023-2025. Dự án sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo số lượng tàu thuyền ra vào cảng, cũng như vào âu tránh bão, tạo môi trường thuận lợi cho ngư dân an tâm bám biển góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cũng đang gấp rút tiến hành lập hồ sơ quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 Tiểu dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá Lạch Hới và Tiểu dự án Nâng cấp, mở rộng cảng cá Lạch Bạng để cập nhật vào hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Phát triển thủy sản bền vững tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vay vốn Ngân hàng Thế giới và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự kiến trong Quý I/2024.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa Nguyễn Đức Cường khẳng định, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để nâng cấp, mở rộng các cảng cá trọng điểm như Hòa Lộc, Lạch Hới, Lạch Bạng...

Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong chống khai thác IUU, tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm triển khai việc mở rộng cảng cá Lạch Hới, Lạch Bạng để đáp ứng tiêu chí cảng cá loại I và các yêu cầu về hiện đại hóa trong việc quản lý tàu cá tại cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão theo khuyến nghị của EC.

Hoa Mai - Đình Nam (TTXVN)
Hồ Trị An bị bồi lắng hơn 145 triệu m3 trầm tích
Hồ Trị An bị bồi lắng hơn 145 triệu m3 trầm tích

Ngày 1/6, ông Võ Tuấn Nhẫn, Giám đốc Công ty Thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cho biết, sau 35 năm tích nước, hồ Trị An bị bồi lắng hơn 145 triệu m3 trầm tích (đất, cát, bùn), chiếm hơn 5% thể tích lòng hồ; trung bình mỗi năm hồ bị bồi lắng hơn 4 triệu m3 trầm tích. Lượng trầm tích bồi lắng đang ở mức cho phép, đã được tính toán trong thiết kế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN