Việc khảo sát trầm tích bồi lắng tại hồ Trị An được thực hiện 5 năm một lần. Giai đoạn trước năm 2016, tốc độ bồi lắng cao, khoảng 6 năm qua thì giảm dần. Nguyên nhân là ở đầu nguồn dòng chảy vào hồ Trị An có một số hồ thủy điện nhỏ được xây dựng và vận hành. Phần đất, cát, bùn tích tụ trong hồ dù lớn nhưng ít ảnh hưởng đến kết cấu hồ. Với tốc độ bồi lắng như hiện nay, sau khoảng 150 năm hồ Trị An mới phải nạo vét. Ngoài bị bồi lắng, hiện một số phần của hồ bị xói mòn do hoạt động khai thác cát, bùn sét bị đẩy về phía hạ du.
Theo ông Võ Tấn Nhẫn, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, mùa khô kéo dài, khoảng 2 tháng qua, mực nước tại hồ Trị An xuống thấp, có lúc tiệm cận mực nước chết. Hồ cạn nước khiến nhiều diện tích đất lộ ra, cây cối phát triển, điều này gây cảm giác hồ Trị An bị bồi lắng mạnh. Những ngày gần đây, lượng nước về hồ tăng, trung bình khoảng 200 m3/s, ngày 1/6, mực nước hồ Trị An đạt gần 53 m, cao hơn mực nước chết 3 m. Do khu vực miền Nam đã bước vào mùa mưa, thời gian tới, lượng nước về hồ tiếp tục tăng.
Hồ thủy điện Trị An là hồ nhân tạo với diện tích hơn 32.000 ha, chính thức tích nước từ năm 1987. Đây là công trình thủy điện lớn nhất miền Nam với 4 tổ máy, tổng công suất thiết kế 400 MW. Công trình ngoài sản xuất điện còn có chức năng cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho hàng triệu dân Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai; trong đó, riêng trạm bơm Hóa An (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) cung cấp 70% nước thô cho Nhà máy nước Thủ Đức (Tp. Hồ Chí Minh).
Mới đây, ngành chức năng Đồng Nai lên phương án nạo vét lòng hồ Trị An. Mục đích là tăng khả năng trữ nước, phục vụ sản xuất điện, nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho vùng hạ du. Đất, cát sau nạo vét được sử dụng để san lấp đường và các công trình trong tỉnh.