Tết buồn của người làm muối

Nếu như mọi năm, vào dịp giáp Tết, diêm dân huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đã có muối bán để sắm Tết cho gia đình thì năm nay do thời tiết thay đổi thất thường cộng thêm mưa trái mùa trong nhiều ngày, khiến cho những cánh đồng muối ở đây chưa có một hạt muối nào. Với người làm muối nơi đây, Tết Giáp Ngọ năm nay sẽ là một cái Tết buồn.

Huyện Đông Hải không chỉ là vùng sản xuất muối lớn nhất của tỉnh Bạc Liêu mà còn lớn nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long với diện tích muối lúc cao nhất lên đến trên 2.200 ha. Năm 2013, tuy diện tích muối có giảm do một số hộ chuyển sang nuôi trồng thủy sản nhưng vẫn còn gần 2.000 ha, chiếm 20% diện tích muối cả nước. Sản lượng muối của huyện trong năm 2013 là 97.861 tấn, trong đó muối trắng là 68.482 tấn, đạt 157% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ đạt 92% kế hoạch đề ra.

Năm nay, do điều kiện thời tiết không thuận lợi, đến thời điểm cận Tết Giáp Ngọ, những cánh đồng vẫn chưa thể làm muối như những năm trước. (Ảnh: TTXVN)


Những năm trước, tuy giá muối rẻ, chỉ khoảng 700 đồng/kg nhưng do thời tiết thuận lợi nên bình quân mỗi hec-ta cho thu hoạch được trên 50 tấn muối, người làm muối vẫn có thu nhập tạm ổn định cuộc sống. Năm nay, do xuất hiện mưa trái mùa kéo dài, nắng yếu nên dù đã vào vụ muối mới hơn 1 tháng nhưng đến cuối tháng Chạp âm lịch, các cánh đồng muối trong huyện vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị sân phơi chứ chưa thể tiến hành sản xuất, khiến đời sống của diêm dân vốn đã khó khăn nay lại càng chật vật khi Tết Giáp Ngọ đã cận kề.

Chỉ cho phóng viên xem những tu muối (nhà kho chứa muối, diêm dân khi thu hoạch xong nếu chưa muốn bán thì sẽ trữ muối trong những những căn lều bằng lá dừa nước, kín 4 góc, khi nào bán sẽ bung ra. Mỗi tu muối có thể chứa được từ vài chục đến vài trăm tấn muối) trống trơn, ông Doãn Đình Hoạt, ở đội 2, xã Điền Hải, cho biết, mọi năm vào thời gian này là các tu muối nhà ông đã đầy ắp, trừ một ít bán để lấy tiền chuẩn bị Tết phần còn lại sẽ chờ sang năm khi giá muối lên cao. Vậy mà năm nay đến giờ này không có hạt muối nào nên gia đình ông vẫn chưa có tiền để sắm Tết.

Gia đình ông Hoạt có 1,5 hec-ta sản xuất muối, những năm trước cho thu hoạch trên 40 tấn/vụ nhưng năm 2013 chỉ được khoảng 20 tấn, bán với giá 1.300 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chỉ còn lãi 10 triệu đồng

Theo ông Hoạt, vụ muối năm nay có lãi là do cha con ông tự làm chứ nếu thuê nhân công thì chắc chắn lỗ. Hiện tại, giá thuê một lao động cho một vụ muối là 15 triệu đồng, chưa kể tiền máy móc, nhiên liệu để chạy máy bơm nước, tiền công thuê người vác muối khi thu hoạch…nên trừ khi trúng muối và giá muối cao, còn như năm nay nếu thuê nhân công khó lòng có lãi được.

Cùng chung tâm trạng như ông Doãn Đình Hoạt, anh Mai Văn Điềm (đội 2, xã Điền Hải) cho biết, gia đình anh có 10 hec-ta làm muối, mọi năm thu nhập từ muối vẫn đủ để anh lo cho gia đình và hai đứa con đi học nhưng vụ muối 2013, toàn vùng gặp khó khăn nên gia đình anh cũng không ngoại lệ. Mặc dù anh đã đợi lúc muối lên 1.700 đồng/kg mới bán nhưng do nhà không có lao động, phải thuê nhân công nên cuối vụ chẳng còn lãi được bao nhiêu. Nhờ có đất nhiều nên dù sản xuất gặp khó khăn, cộng thêm sau vụ muối anh có thả một ít tôm sú nuôi theo kiểu quảng canh nên Tết này gia đình anh vẫn còn may mắn hơn nhiều hộ khác.

Anh Điềm cho biết thêm, so với diêm dân ở vùng này, ruộng muối của gia đình anh có thể xem là loại lớn, do vậy vẫn sống được với nghề làm muối. Với những hộ ít đất, nếu đem đất cho người khác thuê để nuôi tôm và tìm việc làm khác vẫn cho thu nhập cao hơn làm muối mà lại đỡ vất vả hơn.

Hiện tại, ruộng muối của gia đình ông Hoạt, anh Điềm và các ruộng muối khác của xã Điền Hải vẫn còn đang ở giai đoạn làm sân, bơm nước. Nếu thời tiết thuận lợi thì ít nhất đến cuối tháng Giêng những ruộng muối này mới có thể cho thu hoạch mẻ muối đầu tiên. Như vậy, với những người làm muối ở huyện Đông Hải, Tết năm nay sẽ là một cái Tết buồn khi mà đa số bà con diêm dân đều có đời sống khó khăn, phụ thuộc chủ yếu vào hạt muối.

Ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đông Hải, cho biết: nếu so với các nghề khác trong ngành nông nghiệp của huyện như đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng lúa, trồng màu…thì làm muối là nghề cho thu nhập ít nhất và diêm dân có thể xem là những người nghèo nhất. Năm 2013 thời tiết liên tục có những diễn biến thất thường, đặc biệt là hay có mưa trái mùa vào đúng vụ muối nên đã làm thất thoát một lượng muối khá lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của bà con.

Sắp tới, Phòng Nông nghiệp huyện sẽ phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức tập huấn hướng dẫn diêm dân sản xuất muối theo phương pháp trải bạt, đồng thời tranh thủ nguồn vốn vay ngân hàng, vốn vận động nhằm giúp bà con ứng dụng mô hình muối trải bạt, cho năng suất cao gấp 4 lần không trải bạt, để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Về lâu dài, huyện chủ trương giữ vững diện tích muối hiện có, tăng dần mô hình muối trải bạt để cải thiện chất lượng và sản lượng muối. Bên cạnh đó, sau mỗi vụ muối, huyện cũng khuyến khích diêm dân tận dụng ruộng muối để nuôi thêm tôm sú, cá kèo vào mùa mưa nhằm tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người làm muối.


Thanh Liêm
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN