Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nghề mắm truyền thống, thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) hiện có hơn 400 cơ sở sản xuất nước mắm tập trung tại các xã, phường: Hải Bình, Hải Thanh, Ninh Hải... Mỗi năm, các cơ sở sản xuất tại đây cung ứng ra thị trường từ 10 - 10,5 triệu lít nước mắm truyền thống thành phẩm; trong đó, Tết nguyên đán luôn là mùa cao điểm nhất trong năm, thường chiếm khoảng 30 - 40% tổng lượng tiêu thụ và doanh thu của năm.
Những năm gần đây, các hộ sản xuất đã chủ động bán hàng qua cả kênh trực tiếp và trực tuyến nên thị trường tiêu thụ rất đa dạng. Nghề mắm đã tạo việc làm bền vững cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Có mặt tại tổ dân phố Thượng Hải (phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn) những ngày này mới thấy không khí lao động khẩn trương tại làng nghề mắm nổi tiếng này. Trên các ngõ phố, các khu xưởng đang tập trung chiết nước mắm từ các bể rồi đóng chai, dán nhãn, đóng thùng… phục vụ nhu cầu của khách hàng. Trên con đường trung tâm dẫn đến các cơ sở sản xuất, người xe ra vào tấp nập để vận chuyển hàng hóa. Ai ai cũng khẩn trương để hoàn thành những đơn hàng cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị đón Tết.
Là hộ gia đình có truyền thống làm nghề chế biến nước mắm hàng chục năm nay, sau nhiều năm miệt mài với nghề, chị Nguyễn Thị Thơm (tổ dân phố Thượng Hải, phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn) đã mạnh dạn vay thêm vốn, mở cơ sở sản xuất nước mắm Sơn Thơm với quy mô 1.800 m2, hàng năm sản xuất khoảng 30.000 lít nước mắm và trên 200 tấn các loại mắm tôm, mắm chua.
Để kích cầu tiêu dùng, cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình chị Thơm đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại cho các đại lý cấp 1, cấp 2, giảm giá cho khách, cũng như đầu tư mẫu mã, thiết kế hộp quà đựng nước mắm Tết để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Thơm (cơ sở sản xuất nước mắm Sơn Thơm, phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn) cho biết: "Dự kiến mùa Tết năm nay chúng tôi sẽ bán ra được 1.000 lít nước mắm, 50.000 lít mắm tôm, mắm tép... Đầu ra của nước mắm thành phẩm của cơ sở luôn được đảm bảo, bởi chúng tôi có lượng khách hàng truyền thống trong và ngoài tỉnh. Cuối năm là thời điểm tiêu thụ hàng mạnh nhất trong năm, các mặt hàng của chúng tôi xuất bán ra hàng chục tỉnh thành trong cả nước, trong dịp giáp Tết này, mỗi ngày cơ sở điều động 5 xe ô tô tải để vận chuyển hàng hóa cho các đại lý, tổng đại lý".
Đang bận rộn huy động nhân lực đóng chai, dán nhãn, đóng thùng xuất bán vào dịp tết, bà Lê Thị Toan, Giám đốc Công ty Cổ phần nước mắm Tĩnh Gia (phường Ninh Hải, thị xã Nghi Sơn) cho biết: "Nghề nước mắm ở thị xã Nghi Sơn (trước là huyện Tĩnh Gia) có truyền thống từ lâu nên được thị trường rất ưa chuộng. Mỗi năm, cơ sở của tôi xuất bán hàng chục ngàn lít nước mắm. Riêng trong dịp Tết nguyên đán 2023, Công ty đưa ra thị trường 50.000 - 100.000 lít mắm, nước mắm để phục vụ cho khách hàng; trong đó, đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm hảo hạng như: nước mắm cốt hạ thổ 36 độ đạm, nước mắm cốt hạ thổ 32 độ đạm, nước mắm cốt cá cơm, mắm tép...".
Với quy trình sản xuất nghiêm ngặt và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm nước mắm cốt cá cơm của Công ty Cổ phần nước mắm Tĩnh Gia được đạt chuẩn OCOP 4 sao. Hiện, sản phẩm của công ty đã được cung ứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, mỗi năm tiêu thụ hàng trăm tấn mắm tôm và mắm tép, 500.000 - 600.000 lít mắm cốt, tạo việc làm cho gần 30 lao động chủ yếu là phụ nữ địa phương.
Được biết, các sản phẩm nước mắm ở thị xã Nghi Sơn được các cơ sở sản xuất theo phương pháp truyền thống, thơm ngon, bảo đảm chất lượng, nên rất được khách hàng ưa chuộng. Những năm gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức làm nghề sản xuất nước mắm trên địa bàn đã đầu tư mở rộng quy mô, trang thiết bị sản xuất nhằm xây dựng thương hiệu nước mắm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài sản phẩm nước mắm nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc, những người làm nghề tại thị xã Nghi Sơn còn còn có nhiều bí quyết sản xuất mắm tôm, mắm tép, mắm chua thơm ngon, hiện đã có sản phẩm đưa được vào nhiều siêu thị và các chuỗi cung ứng thực phẩm trên khắp cả nước.
Hiện, UBND thị xã Nghi Sơn đã có 1 sản phẩm OCOP 4 sao là Nước mắm cốt Tĩnh Gia - Nước mắm cốt cá cơm và nhiều sản phẩm OCOP 3 sao từ mắm và nước mắm như: Nước mắm cốt cá cơm vị Thanh, Nước mắm thượng hạng Tác Huy, Mắm tôm Tĩnh Gia - Hảo hạng, Mắm tép Tĩnh Gia - đặc biệt, Mắm tôm đặc biệt Tác Huy, Mắm tép đặc biệt Tác Huy, Mắm tôm Vị Thanh, Mắm tép Vị Thanh...
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó trưởng phòng Kinh tế, UBND thị xã Nghi Sơn cho biết: "Thị xã đã tập trung chỉ đạo phát triển nghề truyền thống, xây dựng thương hiệu nước mắm Do Xuyên - Ba Làng, đăng ký sản phẩm OCOP cho các sản phẩm gắn với phát triển du lịch. Điều này giúp thị xã vừa quảng bá được sản phẩm đặc trưng của địa phương, vừa đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của du khách, từ đó thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ".
Với hơn 102 km bờ biển, 6 huyện ven biển, Thanh Hóa là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề làm nước mắm, chủ yếu là nước mắm truyền thống, sản xuất theo phương pháp thủ công. Tại Thanh Hóa, nhiều làng nghề nước mắm đã xây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường như: Ba Làng (thị xã Nghi Sơn), Khúc Phụ (huyện Hoằng Hóa), Cự Nham (huyện Quảng Xương)… Tất cả đã và đang chung sức làm nên hương vị đặc trưng cho ẩm thực xứ Thanh. Hiện mỗi năm, các làng nghề, các cơ sở sản xuất nước mắm ở Thanh Hóa cung cấp ra thị trường khoảng 23 triệu lít nước mắm các loại.
Một mùa xuân nữa lại về, những giọt nước mắm tinh túy từ biển hứa hẹn sẽ đem đến cho người dân làm nước mắm xứ Thanh một cái Tết ấm no, đủ đầy.