Tập trung đầu tư giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ

Triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, lãnh đạo bốn địa phương gồm UBND tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa thống nhất đưa ra chương trình hành động; trong đó, trước mắt ưu tiên tập trung đầu tư giao thông là nhiệm vụ trọng tâm để kết nối vùng và cũng là động lực để Đông Nam Bộ mở rộng không gian phát triển mới vùng kinh tế năng động nhất cả nước.

Chú thích ảnh
Tàu vào bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Mở rộng không gian phát triển

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, với nhiệm vụ vừa được các tỉnh, thành thống nhất vừa qua, tỉnh Bình Dương đã xây dựng chương trình thực hiện theo yêu cầu Nghị quyết số 24-NQ/TW về hành lang Đông Nam Bộ lấy trục kinh tế chính của vùng kết nối từ Tây Nguyên, qua Bình Dương, Đồng Nai, đến cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). TP Hồ Chí Minh đã phát triển gần lấp đầy đến đường Vành đai 2 nên việc gấp rút là đầu tư đường Vành đai 3 và Vành đai 4 để mở rộng không gian phát triển công nghiệp, các cơ sở hạ tầng quốc gia và của vùng.

Chủ tịch tỉnh Bình Dương cho rằng, việc kết nối vùng thông qua đường Vành đai 3 và 4 sẽ nhanh chóng kéo giãn hành lang vận tải lên phía Bắc, theo đường Vành đai 4 gồm đường nối thông vòng qua Tân Uyên đến Biên Hòa và đấu nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Theo đó, cần bổ sung đoạn khuyết thiếu từ Tân Uyên đến Biên Hòa. Từ đó, phân bổ luồng vận tải công nghiệp sẽ theo các cao tốc, quốc lộ, đại lộ, rẽ vào Vành đai 4 để cung cấp tài nguyên cho trục kinh tế Đông Nam Bộ, thay thế các luồng vận tải trước nay đi theo Vành đai 2 đã lấp kín và chật chội không gian phát triển.

Cùng với đó, việc kéo giãn không gian phát triển đồng nghĩa với việc giúp Bình Dương dịch chuyển trọng tâm đô thị tỉnh lên phía Bắc (Thành phố mới Bình Dương), dịch chuyển luồng vận tải công nghiệp lên Vành đai 4, thậm chí Vành đai 5 trong tương lai; đồng thời dịch chuyển không gian công nghiệp, logistics chính của tỉnh lên phía Đông Bắc (gồm các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên).

Từ đó, các luồng vận tải hướng tâm vào TP Hồ Chí Minh đa số sẽ dành cho hành khách và thương mại, đó là tiền đề cho tỉnh Bình Dương hoạch định lại chiến lược đề án “tái thiết”, chuyển dịch cơ cấu các huyện, thị phía Nam của tỉnh theo hướng đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, tri thức; góp phần hình thành “tiểu vùng phát triển” theo Nghị quyết số 24-NQ/TW đã xác định.

Tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị ngoài kết nối đường bộ, cũng cần kết nối đường thủy, đường sắt để hỗ trợ vận tải hàng hóa, hành khách. Theo đó, ưu tiên các kết nối mới bằng đường sắt đô thị với các tuyến từ Bình Dương vào trung tâm TP Hồ Chí Minh theo hướng nối dài mạng lưới đường sắt trung tâm TP Hồ Chí Minh đến các vùng phụ cận như Bình Dương nhằm hướng tới hình thành độ thị vệ tinh Bình Dương về đổi mới sáng tạo về nguồn nhân lực, dịch vụ thương mại, du lịch, khoa học công nghệ cho vùng Đông Nam Bộ.

Cần những giải pháp cụ thể hóa hành động

Đồng tình với chương trình hành động của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi kiến nghị các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cần quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối vùng.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, dự án đường Vành đai 3 đang chuẩn bị khởi công; đồng thời, đường Vành đai 4 cũng đã được thống nhất giữa TP Hồ Chí Minh với Bình Dương để triển khai kết nối con đường này; trong đó, tỉnh Bình Dương đã đầu tư trước hoàn thành một số đoạn sẵn sàng kết nối.  

Song song đó, TP Hồ Chí Minh cũng thống nhất với tỉnh Đồng Nai cùng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm nghiên cứu mở rộng dự án thành phần 1A của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 (dự án thành phần 1A), bảo đảm khai thác đồng bộ với toàn dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương muốn thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị có cơ chế đặc thù để vùng tận dụng các cơ hội sẵn có sớm hướng đến những mục tiêu, định hướng rõ ràng đã được Bộ Chính trị đặt ra; qua đó cụ thể hóa các mục tiêu trọng tâm không chỉ về giao thông mà nhiều lĩnh vực khác đạt từng lĩnh vực, từng nhiệm vụ cụ thể.

Về giải pháp thực hiện, các tỉnh, thành thống nhất kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm chủ trì phối hợp với UBND các tỉnh về một số nội dung trong đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng; trong đó, thống nhất về phương án đầu tư tuyến Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh về phân kỳ các giai đoạn đầu tư; phương thức đầu tư mỗi giai đoạn; quy mô và tổ chức điều phối chung các dự án thành phần đảm bảo đầu tư đồng bộ và hiệu quả.  

Các tỉnh, thành cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải về tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Lộc Ninh từ ga Dĩ An đến điểm nối ray biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư) và đoạn kết nối với tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu để kết nối kết nối trung tâm đô thị đến các cảng biển, cảng hàng không quốc tế cửa ngõ và kết nối với hành lang kinh tế xuyên Á.

Theo báo cáo tại buổi làm việc giữa các tỉnh vùng Đông Nam Bộ vừa đưa ra, liên quan tuyến đường Vành đai 3; nhiệm vụ giao tỉnh Bình Dương và Đồng Nai xây dựng đơn giá bồi thường khu vực giáp ranh; đồng thời bàn giải pháp kết nối kỹ thuật hạ tầng sau khi hoàn thành và sau khi đưa vào sử dụng sẽ kết nối thông suốt kỹ thuật hạ tầng đồng bộ với hệ thống giao thông cả khu vực đảm bảo thông suốt, hiện đại.

Các tỉnh Đông Nam Bộ cũng tính toán đến nguồn vật liệu dùng để xây dựng các tuyến đường trọng điểm kết nối vùng. Theo đó, hiện tại tỉnh Bình Dương và  Đồng Nai đang phối hợp với TP Hồ Chí Minh thực hiện khảo sát nguồn vật liệu cho dự án, đảm bảo nguồn và điều phối nguồn vật liệu cung cấp cho dự án. Đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ làm việc với các đơn vị khai thác khoáng sản để cam kết cung cấp vật liệu cho dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng sắp tới.

Chí Tưởng (TTXVN)
Quảng Trị đầu tư giao thông kết nối ven biển với đô thị và vùng khác
Quảng Trị đầu tư giao thông kết nối ven biển với đô thị và vùng khác

Trong giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh Quảng Trị tập trung đầu tư các dự án giao thông ở ven biển nhằm hoàn thiện kết nối với đô thị trung tâm và vùng phía Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN