Tập đoàn hàng đầu Ấn Độ muốn đầu tư nhiều dự án tại Việt Nam

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, Chủ tịch Tập đoàn Adani (Ấn Độ) đề xuất đầu tư vào cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) với tổng vốn dự kiến 2 tỷ USD.

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ấn Độ từ ngày 30/7 - 1/8, Thủ tướng đã có cuộc gặp với ông Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani, một trong những tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ. Tại cuộc gặp, Chủ tịch Tập đoàn Adani đề xuất đầu tư vào cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) với tổng vốn dự kiến 2 tỷ USD, nhằm mục tiêu hoàn thiện hệ sinh thái logistics cho Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Liên Chiểu theo quy hoạch là Cảng nước sâu loại I có vị trí quan trọng, điểm kết nối của hành lang kinh tế Đông Tây quốc tế, cửa ngõ miền Trung. Khi đi vào sử dụng, bến tàu tổng hợp của cảng có quy mô 100.000 tấn, bến cảng container 200.000 tấn. Cảng có công suất đến năm 2045 đạt khoảng 100 triệu tấn hàng hóa thông qua một năm. Ước tính, Nhà nước sẽ rót khoảng 3.000 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng dùng chung và kêu gọi đầu tư đồng bộ cảng biển.

Tập đoàn Adani cũng dự kiến đầu tư 2,8 tỷ USD vào Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận); tham gia xây Sân bay Long Thành giai đoạn 2 (Đồng Nai) và Sân bay Chu Lai (Quảng Nam). 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm việc với đại diện Tập đoàn Adani.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng đại diện Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Đà Nẵng và các đơn vị liên quan đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Adani để trao đổi quá trình thúc đẩy các dự án tại Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn Adani khẳng định sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng của Việt Nam để sớm trình và triển khai các dự án theo quy định.

Tập đoàn Adani là nhà điều hành sân bay lớn nhất Ấn Độ và kiểm soát Cảng Mundra, cảng lớn nhất Ấn Độ. Tập đoàn còn đầu tư trong lĩnh vực truyền tải điện, năng lượng xanh. 

Thế Đoàn/Báo Tin tức
Chuyên gia đánh giá 6 yếu tố thể hiện Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Chuyên gia đánh giá 6 yếu tố thể hiện Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Giảng viên cấp cao chuyên ngành kinh tế tại Đại học Deakin (Australia), Tiến sĩ Công Phạm, khẳng định Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nếu tính đến tốc độ cải tổ mà Việt Nam đã và đang thực hiện từ thời kỳ Đổi mới vào năm 1986 cho tới nay. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN