Đây có thể là một trong những cuộc tái cơ cấu nợ lớn nhất từ trước đến nay tại Trung Quốc.
Một số nguồn thạo tin cho biết Evergrande đã thành lập một ủy ban quản lý rủi ro gồm 7 thành viên, trong đó chỉ có hai Giám đốc điều hành từ Evergrande cùng với các quan chức từ các cơ quan nhà nước. Điều này làm tăng kỳ vọng chính phủ có thể tăng cường can dự vào vụ khủng hoảng nợ của Evergrande. Ủy ban này được thành lập "dựa trên những thách thức về hoạt động và tài chính" mà Evergrande đang phải đối mặt.
Trong khi đó, hãng Bloomberg cũng dẫn một nguồn thạo tin cho biết Evergrande đang có kế hoạch đưa toàn bộ trái phiếu phát hành ở nước ngoài và các nghĩa vụ trả nợ tư nhân vào kế hoạch tái cơ cấu. Kế hoạch trên sẽ bao gồm trái phiếu phát hành đại chúng của Evergrande và công ty con Scenery Journey Ltd. Kế hoạch cũng bao gồm 260 triệu USD tín phiếu do liên doanh Jumbo Fortune Enterprises phát hành dưới sự bảo lãnh của Evergrande. Quy trình tái cơ cấu nợ chưa bắt đầu và kế hoạch vẫn có thể thay đổi.
Tuần trước, Evergrande lần đầu tiên thừa nhận về sự cần thiết phải tiến hành một cuộc tái cơ cấu nợ. Tuy nhiên, tuyên bố ngắn gọn của Evergrande khiến giới đầu tư băn khoăn không rõ việc tái cơ cấu sẽ diễn ra như thế nào trong toàn bộ hệ thống phức tạp các nghĩa vụ nợ quốc tế của công ty này. Evergrande hiện đang có khoảng 19,2 tỷ USD dư nợ trái phiếu quốc tế và 8,4 tỷ USD dư nợ trái phiếu nội địa.
Từng là nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc, Evergrande đang lún sâu trong núi nợ lên đến hơn 300 tỷ USD, tương đương 2% GDP của Trung Quốc, trong đó trái phiếu thị trường quốc tế là 19 tỷ USD. Tập đoàn này đang nỗ lực huy động vốn để trả cho các đơn vị cho vay, nhà cung cấp và ngăn chặn cuộc khủng hoảng thanh khoản có thể dẫn tới sự sụp đổ.
Mới đây, Evergrande đã nối lại việc triển khai hơn 10 dự án bất động sản đang bị đình trệ.