Nâng cao chất lượng nông sản
Là một thị xã trẻ của tỉnh Hải Dương, những năm qua, Kinh Môn vẫn luôn được nhắc đến như một điểm sáng trong bức tranh sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đây là địa phương cấp huyện đầu tiên của Hải Dương về đích nông thôn mới và hiện có 2 xã đang thẩm định đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, đây là địa phương tiên phong của Hải Dương trong xây dựng sản phẩm OCOP. Trong bối cảnh diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp, sản xuất nông nghiệp ở Kinh Môn vẫn nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng nhờ chọn đúng thế mạnh.
Năm nay tiếp tục là một mùa cam bội thu với gia đình ông Vũ Xuân Cường ở thôn Vũ Xá 2, phường Thất Hùng, thị xã Kinh Môn khi năng suất và giá bán đều cao, ổn định. Giữa tháng 12, vườn cam đã thu hoạch được khoảng 50% sản lượng, số còn lại đang vừa bán vừa được gia đình chăm sóc để chờ Tết. Cam Vinh bán tại vườn khoảng 25.000 đồng/kg và cam đường canh giá 40.000 đồng/kg. Hiệu quả từ cây cam mang lại càng khẳng định hướng đi đúng đắn của gia đình ông khi quyết tâm chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi.
Ông Cường nhớ lại: “Trước kia, nhà tôi trồng cây hoa màu ngắn ngày. Do khu vực hay bị úng cục bộ nên thu nhập kém, gia đình mới chuyển hướng sang trồng cây ăn quả, chủ lực là cây cam Vinh và cây cam đường. Nhờ áp dụng kiến thức sau khi tham gia các lớp chuyển giao kỹ thuật, học hỏi thêm qua sách báo, trên mạng, đến nay cây cam của gia đình đã phát triển tốt và cho thu nhập cao, gấp nhiều lần so với trồng lúa, hoa màu”.
Trong quá trình canh tác, gia đình ông đã luôn quan tâm đến chăm sóc cây đúng kỹ thuật, tuân thủ quy trình VietGAP. Ông chọn bón phân hữu cơ như phân chuồng, ủ đỗ tương, cá. Thuốc bảo vệ thực vật là các loại thuốc sinh học có nguồn gốc để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Kết quả, khi chăm theo quy trình này, năng suất cam tăng cao: Trước chỉ 28 - 33 tấn/ha đối với cam Vinh và từ 33 - 41 tấn/ha đối với cam đường canh, thì nay đạt khoảng trên 50 tấn/ha. Lợi nhuận trung bình từ 500 - 700 triệu ha/năm.
Với vai trò quản lý nhà nước, ngành nông nghiệp địa phương đã nỗ lực làm “cầu nối” giúp nông dân đến gần hơn với các nhà khoa học. Theo ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, bà con nông dân đã từng bước thay đổi tư duy, cách làm, có tầm nhìn căn cơ trong định hướng sản xuất để tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Sản xuất nông nghiệp song song với bảo vệ được môi trườn và tạo ra những sản phẩm hữu cơ chất lượng tốt, giúp người tiêu dùng yên tâm đối với sản phẩm nông nghiệp của Kinh Môn.
Liên kết sản xuất với tiêu thụ
Thị xã Kinh Môn hiện có khoảng 6.000 ha đất canh tác với những loại cây chủ lực như hành, tỏi, sắn dây, ngô, bí xanh. Diện tích nuôi thủy sản khoảng 600 ha với sản lượng khoảng 4.000 tấn/năm. Ước tính, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2019 của Kinh Môn đạt khoảng 2.100 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2018. Đặc biệt, giá trị sản xuất trên mỗi hecta đất nông nghiệp đạt trên 220 triệu đồng, tăng 6,3% so với năm trước.
Trước tình trạng nông dân nhiều nơi thất thu vì nông sản thường xuyên rơi vào cảnh “được mùa, mất giá”, nhằm giảm thiểu những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường đối với sản xuất nông nghiệp, Kinh Môn một mặt khuyến khích người dân sản xuất theo quy hoạch, kết nối các nhà khoa học với nhà sản xuất, mặt khác, chú trọng xây dựng thương hiệu nông sản và liên kết chặt chẽ khâu sản xuất với tiêu thụ để người dân yên tâm sản xuất các sản phẩm sạch, có chất lượng cao.
Ông Nguyễn Xuân Hạ cho biết, phát triển nông nghiệp trong cơ chế thị trường, địa phương xác định rõ phải phân vùng quy hoạch, phát huy tiềm năng lợi thế của từng địa phương”. Hiện thị xã Kinh Môn đã quy hoạch sản xuất nông nghiệp thành 4 khu với những thế mạnh khác nhau. Trên cơ sở định hướng của thị xã, các địa phương hướng dẫn bà con nông dân khai thác các tiềm năng lợi thế của địa phương mình để phát triển sản; tạo ra những sản phẩm chất lượng cao.
Thời gian gần đây, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản đã được Kinh Môn ngày càng quan tâm. Thị xã Kinh Môn đã ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Theo đó, Kinh Môn đang triển khai xây dựng 7 loại sản phẩm OCOP gồm trứng đà điểu, quả thanh long, mỳ gạo Thái Thịnh, bột sắn dây, cam Thất Hùng, gạo nếp cái hoa vàng và rượu nếp cái hoa vàng. Địa phương đã mở các lớp tập huấn, hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương, trực tiếp là chủ thể sản xuất. Hiện nay, hồ sơ các sản phẩm đã hoàn thiện gửi Ban chỉ đạo tỉnh đánh giá và cấp chứng nhận.
Ghi nhận hiệu quả từ vùng cam ở Thất Hùng cho thấy, sở dĩ cây cam trên đất Thất Hùng khẳng định thương hiệu như hiện nay là nhờ vào sự vào cuộc từ cơ quan chức năng thông qua việc hỗ trợ như xúc tiến thương mại, tổ chức các gian bán hàng giới thiệu sản phẩm ...
Theo ông Nguyễn Xuân Hạ, việc liên kết theo chuỗi giá trị đang được thực hiện rất tốt, đặc biệt là đối với các sản phẩm sản xuất ứng dụng công nghệ cao, trong đó có sản phẩm dưa lưới trồng trong nhà màng, nhà lưới. Hiện nay, các nhà doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu trọn gói đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao nên bà con nông dân yên tâm sản xuất. Qua khảo sát nhận thấy triển vọng lúa hữu cơ rất tốt nên dự kiến, vụ chiêm xuân 2020, Kinh Môn sẽ sản xuất thí điểm 4ha lúa theo phương pháp canh tác hữu cơ.
Đại diện Phòng Kinh tế, thị xã Kinh Môn cũng khẳng định: Định hướng của địa phương trong sản xuất nông nghiệp những năm tiếp theo là sản xuất hàng hóa gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị gia tăng, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, khuyến khích, vận động bà con nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, vừa giúp bà con thu nhập cao và đem lại sự yên tâm về chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng. Với vai trò là cơ quan chuyên môn, đơn vị tiếp tục tham mưu thị xã kêu gọi đầu tư và hợp tác sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường liên kết trong các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.