Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, Tây Nguyên đã phát triển thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn của cả nước.

Tây Nguyên có những sản phẩm chủ lực của quốc gia, có nhu cầu thị trường cao, đạt giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm như cà phê, cao su, hạt tiêu, rau quả, hoa… góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung

Người dân ở Đắk Lắk chăm sóc hồ tiêu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Yum, Đắk Nông, Lâm Đồng) có tổng diện tích tự nhiên 54.637 km vuông, trong đó có 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, gồm 850,1 ngàn ha đất trồng cây hàng năm và gần 1,151 triệu ha đất trồng cây lâu năm… Đặc biệt, các tỉnh Tây Nguyên có diện tích đất bazan chiếm 74,25% trong tổng diện tích đất bazan của cả nước.

Với thế mạnh của một vùng có điều kiện đất đai, khi hậu thích hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là các loại cây công nghiệp dài ngày, cây hàng năm nên từ sau năm 1975 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung có quy mô lớn về cây cà phê, hồ tiêu, cao su, điều, chè, ngô lai, sắn (mì)… Đây là những loại cây trồng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích gieo trồng và tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của cả vùng và trong tổng diện tích các loại cây cùng loại của cả nước.


Cà phê Tây Nguyên chiếm hầu hết diện tích và sản lượng cà phê Việt Nam và trở thành cây trồng có ưu thế tuyệt đối của vùng cũng như khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới, trong đó đứng số 1 thế giới về sản xuất, xuất khẩu cà phê vối. Hiện nay, diện tích cà phê toàn vùng Tây Nguyên có trên 576.800 ha, chiếm gần 90% diện tích cà phê của cả nước, tăng 13,26% so với năm 2010, tốc độ tăng bình quân hàng năm trên 2,5%/năm, trong đó diện tích cà phê cho thu hoạch 548.533 ha.


Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất, với trên 204.000 ha, kế đến là tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai. Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê đã đưa các giống cà phê mới như TR4, TR5, TR6, TR9, TR11, TR12, TR13… vào sản xuất đại trà, đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp thâm canh đồng bộ từ khâu trồng trồng mới, tưới nước, bón phân đến chăm sóc, nhất là sản xuất cà phê thích nghi với biến đổi khí hậu, cũng như sản xuất cà phê có chứng nhận… nên năng suất, sản lượng cà phê vùng Tây Nguyên luôn đạt cao và ổn định.


Niên vụ cà phê 2016 - 2017, mặc dù gặp thời tiết bất lợi, nắng hạn kéo dài nhưng năng suất cà phê toàn vùng Tây Nguyên vẫn đạt bình quân 2,5 tấn cà phê nhân/ha, cao gấp 3 lần so với năng suất cà phê vối của thế giới, sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn cà phê nhân, chiếm 93,3% sản lượng cà phê nhân của cả nước. Các tỉnh Tây Nguyên đã hình thành một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, xây dựng chỉ dẫn địa lý sản xuất cà phê đạt chứng chỉ chất lượng quốc tế, một số mô hình liên kết giữa tổ chức, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với nông hộ sản xuất cà phê trên địa bàn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất và doanh nghiệp.


Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã hình thành vùng trồng cao su tập trung với diện tích trên 251.348 ha, trong đó, diện tích đã đưa vào kinh doanh (khai thác mủ) 139.115 ha, với sản lượng mủ mỗi năm đạt từ 192.207 tấn trở lên, chiếm 27% diện tích và 18% sản lượng mủ cao su của cả nước.


Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã có trên 71.000 ha tiêu, với sản lượng mỗi năm đạt từ 120.877 tấn tiêu hạt trở lên, chiếm trên 60% sản lượng hồ tiêu của cả nước; có gần 74.000 ha điều, sản lượng mỗi năm cũng đạt trên 67.276 tấn điều nhân; sản lượng chè mỗi năm cũng đạt trên 228.000 tấn, chiếm 24% sản lượng chè của cả nước… Tại vùng Tây Nguyên, cây ngô lai có diện tích nhiều nhất nhiều nhất với 235.226 ha, sản lượng mỗi năm đạt từ 1,3 triệu tấn trở lên, chiếm 25% sản lượng ngô của cả nước.


Ngành nông nghiệp ở Tây Nguyên đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn ngày càng phát triển ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, đời sống của đồng bào các dân tộc ngày càng được nâng lên. Hiện nay, nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên ngày càng có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp từ cây cà phê, hồ tiêu, rau quả có thu nhập từ 500 triệu đến hàng tỷ đồng/ ha. Gia đình chị Nguyễn Thị Thái Hà, ở huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) có 22 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu có trồng xen các loại cây ăn quả doanh thu mỗi năm hơn 7 tỷ đồng...


Cần sớm tháo gỡ các “điểm nghẽn” cho nông nghiệp Tây Nguyên

Hàng ngàn héc-ta hồ tiêu trồng mới ở Gia Lai. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tuy nhiên, theo đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, nông nghiệp Tây Nguyên là thế mạnh nhưng lợi thế này chưa khai thác thật sự hiệu quả. Năng suất lao động còn thấp, các sản phẩm nông sản hàng hóa đều xuất khẩu thô không những giá trị gia tăng thấp mà sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của nhiều loại nông sản sản chưa cao, chưa xây dựng được thương hiệu của nhiều ngành hàng chủ lực, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản chưa nhiều, chưa phổ biến.


Cũng theo đánh giá của Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên Tô Lâm tại Hội thảo Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên góc nhìn từ các nông dân tỷ phú được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột mới đây, kết cấu hạ tầng, dịch vụ nông nghiệp vùng Tây Nguyên chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, cơ cấu cây trồng chưa được đổi mới. Đặc biệt, Tây Nguyên còn nhiều “điểm nghẽn” trong vấn đề nguồn đất sản xuất, vốn đầu tư, nguồn lao động có chất lượng, sự tham gia “vào cuộc" của các nhà khoa học, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn khiêm tốn…


Đồng chí Tô Lâm đã đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Khoa học - Công nghệ, các ngân hàng, các tỉnh vùng Tây Nguyên xây dựng chương trình hỗ trợ và cơ chế chính sách thuận lợi để xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất- kinh doanh công nghệ cao. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò là hạt nhân nhằm đưa các ngành hàng chủ lực trong nông nghiệp của Tây Nguyên tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị nội địa và chuỗi giá trị toàn cầu.


Các bộ, ngành chức năng cần xây dựng, thiết kế các chương trình nghiên cứu, phát triển nông nghiệp Tây Nguyên mang tính tổng thể cả về khoa học quản lý, cơ chế chính sách, thị trường và kỹ thuật công nghệ, trong đó có vấn đề về quy hoạch vùng trồng, vùng sản xuất nông nghiệp đi liền với tổ chức nông dân, tổ chức thị trường gắn với công nghệ cao, sớm tạo dựng nền nông ngiệp hữu cơ tại Tây Nguyên.


Nhà nước cũng sớm điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, nhất là các chính sách về đất đai, đầu tư, tín dụng cho phát triển nông nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế trong, ngoài nước đầu tư phát triển các cơ sở chế biến tinh các mặt hàng nông sản chủ lực như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, sắn (mì)…để nâng cao giá trị gia tăng cũng như sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.


Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các bộ, ngành chức năng sớm hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên xây dựng các đề án bảo tồn giống quý, trung tâm giống cây, con, trung tâm bác sỹ cây trồng, vật nuôi gắn với đào tạo nguồn nhân lực nhằm phục vụ tốt yêu cầu phát triển bền vững của vùng sản xuất nông sản hàng hóa Tây Nguyên.


Quang Huy (TTXVN)
Khai thông thị trường cho mặt hàng nông sản
Khai thông thị trường cho mặt hàng nông sản

Ngành nông nghiệp chỉ dự báo và khai thông thị trường, còn việc thực hiện sẽ tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp và người nông dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN