Nguời trồng mía bỏ xứ đi làm thuê, doanh nghiệp thì thua lỗ
Chia sẻ tại hội thảo “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới” do Bộ Công Thương phối cùng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng 1/12, bà Trần Thị Yến (Phú Yên) - nông dân gắn bó với nghề trồng mía chia sẻ, cây mía đã giúp cho bà cũng như nhiều bà con khác trên cả nước thoát nghèo, vươn lên làm giàu và cải thiện cuộc sống. Nhưng kể từ năm 2016, khi đường nhập lậu và đường Thái Lan tràn vào thị trường khiến giá đường giảm mạnh, kéo theo giá mía tại ruộng cũng giảm sâu. Thêm vào đó, chi phí trồng mía tăng vọt cũng gây ra sức ép lớn cho người nông dân.
“Cây mía không còn tạo ra lợi nhuận kinh tế lớn, người nông dân trồng mía không thu được lãi, thậm chí là lỗ vốn, dẫn đến buộc phải giảm diện tích trồng mía hoặc bỏ đất hoang. Đã có nhiều trường hợp người trồng mía bỏ xứ đi làm thuê hoặc không có công ăn việc làm ổn định, nảy sinh vấn đề an sinh xã hội”, bà Yến cho hay.
Chung cảnh ngộ, ông Đỗ Văn Thảo (nông dân trồng mía tại Kon Tum) cũng khẳng định việc giá đường xuống thấp kéo theo giá mía nguyên liệu tụt mạnh đã gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận kinh tế cho người dân trồng mía. Dù doanh nghiệp có đưa ra một số biện pháp hỗ trợ người nông dân trồng mía nhưng mức giá quá thấp vẫn gây sức ép lớn lên ngành mía đường.
Ông Thảo đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ giá thành cũng như đẩy nhanh phòng vệ thương mại để giữ giá mía ổn định, giúp người dân nâng cao lợi nhuận kinh tế.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng cho biết, hiện tại thực trạng vùng nguyên liệu sản xuất mía đường ở Sóc Trăng đang ngày càng giảm mạnh. Cụ thể, năm 2017 là 8.400 ha đến năm 2018 là 7.000 ha, đến năm 2019 còn 4.800 ha, năm 2020 còn 2.400 ha và dự kiến năm 2021 chỉ còn dưới 2.000 ha.
Diện tích mía năm 2020-2021 giảm đến 72% so với năm 2017-2018 dẫn đến việc thu mua sản lượng tương ứng của công ty. Cụ thể là năm 2017, công ty thu mua được 476.000 tấn, năm 2018 thu mua được 257.000 tấn, năm 2019 thu mua được 249.000 tấn và năm 2020 thu mua giảm còn 170.000 tấn.
Theo ông Hiếu, nguyên nhân khiến diện tích, sản lượng liên tục giảm là do ảnh hưởng của hàng nhập lậu, gian lận thương mại và đường Thái Lan nhập chính ngạch nhập với giá thấp cạnh tranh không lành mạnh với đường của Việt Nam.
“Có những thời điểm hàng tồn kho của chúng tôi lên tới 90%, trong khi tiền là tín dụng thương mại nên thực sự rất khó khăn, chúng tôi phải chạy ăn từng bữa, chạy lương bảo hiểm cho người lao động. Điều đáng nói, cứ khi nào có một vài vụ đường lậu bị bắt thì số hàng tồn kho của chúng tôi lập tức có khách hàng mua ngay, thậm chí là bán được hàng trăm tấn mỗi ngày”, ông Hiếu nói.
Gỡ “nút thắt” cho ngành mía đường
Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, trình độ sản xuất và năng suất mía của Việt Nam hoàn toàn tương đương với các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, khi Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết Hiệp định hàng hóa ASEAN (ATIGA) từ ngày 1/1/2020, không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và mức thuế chỉ 5%. Ông Lộc cho biết, ngay lập tức một khối lượng đường kỷ lục đã tràn vào thị trường Việt Nam.
Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2020, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng đột biến, sau khi trừ đi lượng đường đã xuất theo loại hình sản xuất xuất khẩu, số lượng đường nhập khẩu thâm nhập vào thị trường trong nước lên đến 884,285 tấn, còn lớn hơn cả lượng đường sản xuất từ mía trong nước.
Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu (87,67%). Không những thế, lượng đường nhập khẩu từ các nước Malaysia, Campuchia, Indonesia, Myanma đều có xuất xứ từ Thái Lan (vì bản thân các nước này không đủ mía để sản xuất cho nhu cầu nội địa và đều nhập khẩu từ Thái Lan để có cơ sở phát chứng thư CO form D) khiến tổng đường nhập khẩu có nguồn gốc Thái Lan là 1,083,876 tấn, chiếm 97,7%. Sau 11 tháng, lượng đường nhập từ Thái Lan vào Việt Nam đã lên tới 1,3 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng đường mía trong nước niên vụ 2019 - 2020 ước tính chưa tới 800 nghìn tấn, sụt giảm so với 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018 - 2019.
Đáng chú ý, theo dữ liệu trên giá xuất khẩu bình quân đường thô và luyện từ Thái Lan vào Việt Nam chỉ có 334 USD/tấn. Ông Lộc cho rằng, giá bán đường xuất khẩu nêu trên rõ ràng không chỉ thấp hơn hẳn giá đường bán trong thị trường nội địa Thái Lan mà còn thấp hơn cả chi phí mua mía (chi phí mua mía là 410 USD/tấn).
"Điều này càng làm nổi rõ hơn tính chất phá giá của loại đường Thái Lan khi tràn vào thị trường Việt Nam. Rõ ràng là có sự không công bằng trong cạnh tranh trong ngành mía đường. Mặc dù là một quốc gia trong ASEAN 6 và đã thực thi ATIGA từ 2010, nhưng nghị quyết của chính phủ Thái Lan vào tháng 3/2020 đã cho thấy bằng chứng về việc đường bị cấm nhập khẩu vào Thái Lan, có nghĩa là không có chuyện thương mại tự do trong lãnh vực đường suốt những năm vừa qua" ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Lộc nhìn nhận, một khối lượng đường kỷ lục với giá rẻ đã tràn vào và hoàn toàn làm chủ thị trường. Tình trạng này đã tác động đến giá đường thị trường nội địa của Việt Nam đã bị dìm xuống mức thấp nhất trong khu vực, thấp hơn giá thành sản xuất. Đường sản xuất từ mía hầu như không tiêu thụ được.
"Để "cứu" ngành mía đường trong nước và sinh kế của người nông dân trồng mía, Việt Nam hoàn toàn có thể quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với luật pháp quốc tế và các quy tắc giao thương của WTO đối với ngành đường là việc làm chính đáng nhằm bảo vệ ngành sản xuất, giúp tăng thu ngân sách và bảo vệ việc làm cho người trồng mía. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh các nước khác trong khối ASEAN đang áp dụng các biện pháp không chính thống", ông Lộc cho hay.
Về vấn đề này, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngành sản xuất trong nước đã cung cấp các thông tin, bằng chứng cho thấy sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường.
Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện cho ngành, tháng 9 năm 2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Trước đó, tháng 6/2020, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1715/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
"Hiện tại, cả hai vụ việc đều đang trong quá trình điều tra. Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài", Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho hay.
Theo các chuyên gia, ngoài vấn nạn đường lậu, khó khăn của ngành mía đường còn xuất phát từ những vấn đề nội tại như trên 90% giống mía trồng tại Việt Nam đều nhập từ nước ngoài, các khâu chăm sóc, làm cỏ, bón phân, thu hoạch được đánh giá còn rất hạn chế, gây ảnh hưởng đến năng suất trồng mía.
Do đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng trước hết phải củng cố, xây dựng các vùng nguyên liệu theo hướng hợp tác, liên kết giữa các nhà máy với nông dân. Quá trình này nhiều khả năng sẽ phải loại bỏ những nhà máy hay diện tích trồng mía kém hiệu quả theo quy luật phát triển để có thể hình thành cánh đồng mía lớn được cơ giới hóa đồng bộ từ làm đất, chăm sóc, tưới tiêu đến thu hoạch.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hàng năm cho công tác nghiên cứu giống mía mới, hỗ trợ triển khai vùng sản xuất mía trọng điểm và hàng loạt công trình thủy lợi, cơ giới hóa. Quan trọng hơn, ngành mía đường đề xuất với Bộ Công Thương chủ động xây dựng và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế. Các doanh nghiệp, nhà máy đường và các địa phương cũng cần có sự đồng tâm hiệp lực cho nỗ lực hội nhập của ngành mía đường Việt Nam.
Tính đến tháng 11/2020, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 21 biện pháp phòng vệ thương mại, gồm 13 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường...
Trong số đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng 7 biện pháp chống bán phá giá, 5 biện pháp tự vệ và 1 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ.