Anh Phạm Hải Chiều, Giám đốc Hợp tác xã thanh niên Lâm Thượng cho biết, với mục tiêu chiến lược là sản xuất các sản phẩm nông nghiệp của địa phương chất lượng cao. Ngay từ những ngày đầu, Hợp tác xã đã đầu tư xây dựng khu sản xuất, sơ chế theo mô hình nông nghiệp công nghệ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển bền vững theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến sơ chế bảo quản và tiêu thụ nông sản.
Đến nay, đơn vị đã xây dựng được khu sản xuất, chế biến măng mai, xúc xích thỏ, thỏ rán, vịt bầu, lạp xưởng thỏ… tất cả đều được được đóng gói, hút chân không, bảo quản tốt. Nhờ đó đến thời điểm này, Hợp tác xã thanh niên Lâm Thượng có 2 sản phẩm măng mai và xúc xích thỏ được UBND tỉnh Yên Bái công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Để có được những thành công ban đầu trong việc xây dựng sản phẩm OCOP, Hợp tác xã thanh niên Lâm Thượng luôn nhận được sự quan tâm của UBND huyện, các đơn vị chuyên môn, đặc biệt là Huyện đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xã trong việc tuyên truyền, quảng bá chất lượng các sản phẩm mà Hợp tác xã sản xuất, qua đó được thị trường biết đến và tin dùng.
Những năm gần đây, Hợp tác xã Thái Sơn, xã Tân Lĩnh là một trong những đơn vị tiên phong trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm của huyện Lục Yên. Được thành lập từ năm 2016, sau hơn 4 năm nỗ lực, Hợp tác xã đã thực hiện chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm lạc - sản phẩm chủ lực của địa phương có chất lượng đủ điều kiện tiêu thụ trên thị trường.
Theo ông Đàm Văn Việt, Giám đốc Hợp tác xã Thái Sơn, Hợp tác xã tổ chức thương thảo, liên doanh, liên kết và ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm lạc, vừng, đỗ tương cho bà con trong vùng; tiến hành đăng ký chất lượng sản phẩm; đồng thời, xây dựng thương hiệu sản phẩm dầu lạc Thái Sơn.
Sản phẩm dầu lạc của hợp tác xã sản xuất được bình chọn và đạt giải Nhất cho sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2018 tỉnh Yên Bái. Sản phẩm dầu thực vật do hợp tác xã sản xuất được tiêu thụ không chỉ trong huyện, tỉnh mà còn có mặt ở thị trường Hà Nội, Thái Bình, Lào Cai... Đến thời điểm này, hợp tác xã đã có 5 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao bao gồm, dầu lạc đỏ Thái Sơn, lạc ri vỏ đỏ Thái Sơn, dầu lạc trắng, dầu đỗ tương, dầu vừng Thái Sơn.
Kể từ khi tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện Đề án chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, huyện Lục Yên đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình OCOP đến các xã, thị trấn. Để thực hiện chương trình, sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu của thị trường, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, đảm bảo chất lượng, quy định về an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, sản phẩm phải có tên, bao bì ghi nhãn, xuất xứ hàng hóa theo quy định, được niêm yết giá… Chính vì thế, đòi hỏi người dân phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất.
Từ khi thực hiện đến nay, trên địa bàn huyện Lục Yên có 9 sản phẩm của 3 hợp tác xã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao bao gồm: Dầu lạc đỏ Thái Sơn, lạc ri vỏ đỏ Thái Sơn, dầu lạc trắng, dầu đỗ tương, dầu vừng Thái Sơn của Hợp tác xã Thái Sơn; măng mai Lâm Thượng, xúc xích thỏ của Hợp tác xã thanh niên Lâm Thượng; Cam sành, khoai tím của Hợp tác xã Cam sành Lục Yên…
Qua chương trình OCOP là giải pháp hiệu quả giúp tạo ra giá trị gia tăng cho những sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Từ đó, hiệu quả kinh tế của các sản phẩm được nâng lên rõ rệt, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Để chương trình đạt hiệu quả, huyện Lục Yên đã tích cực tuyên truyền các hợp tác xã, hộ dân về ý nghĩa, hiệu quả chương trình; tập trung xác định đúng tiềm năng, lợi thế các vùng tạo ra sản phẩm hàng hóa, chú trọng nâng cao chất lượng, các khâu sản xuất, đảm bảo an toàn đáp ứng đúng bộ tiêu chí sản phẩm OCOP…
Từ đó, tư vấn, hướng dẫn các hợp tác xã đăng ký, làm hồ sơ xây dựng sản phẩm OCOP, mở ra cơ hội để người dân tham gia các chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản.
Ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích, có cơ chế hỗ trợ kinh phí, cũng như tạo mặt bằng sạch cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các mô hình, vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Đồng thời đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các sản phẩm đã có thương hiệu, quảng bá các sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh để nhân dân và du khách được biết tới các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Những kết quả ban đầu của chương trình OCOP và hiệu ứng lan tỏa của chương trình hiện nay là nền tảng vững chắc để chương trình OCOP sẽ có bước tiến quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ theo hướng bền vững, lâu dài ở khắp các xã và trở thành thương hiệu riêng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lục Yên.