Tạo điểm nhấn để thu hút du khách về làng nghề Bát Tràng

Nhằm làm mới sản phẩm du lịch và tạo điều kiện để đón khách quốc tế đến Hà Nội, làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) đang chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng, dịch vụ thu hút khách trở lại.

Nhiều lợi thế hấp dẫn du khách

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 12km theo đường bộ, 7km theo đường thủy, nằm tiếp giáp với huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), làng gốm sứ Bát Tràng được xem là một trong những tuyến du lịch trọng tâm của Hà Nội, trong đó có khách quốc tế.

Gắn với lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của Thăng Long - Hà Nội, xã Bát Tràng còn giữ nhiều nét độc đáo của một làng gốm cổ của Hà Nội. Bên cạnh truyền thống làng nghề, nền văn hóa lâu đời của xã Bát Tràng có những nét đặc trưng như hội làng, các phong tục tập quán, ẩm thực độc đáo. Đó là lợi thế để Bát Tràng phát triển các loại hình du lịch văn hóa, trải nghiệm.

Chú thích ảnh
Du khách khi tới Bát Tràng sẽ được trải nghiệm các hoạt động như vuốt, nặn vẽ tạo hình các sản phẩm gốm Bát Tràng. Ảnh TTXVN

Theo UBND xã Bát Tràng, bên cạnh truyền thống làng nghề, xã Bát Tràng hiện có 9 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, 2 di tích cách mạng kháng chiến, 23 ngôi nhà cổ và 16 nhà thờ họ - là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của Bát Tràng xưa. Năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định công nhận Bát Tràng là Điểm du lịch của Thủ đô; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận “Nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết, sau khi Bát Tràng được công nhận là điểm du lịch, số lượng khách đến đây trải nghiệm tăng gấp đôi, có thời điểm tăng gấp 3 so với trước. UBND xã Bát Tràng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, như: Ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển du lịch thông minh; thực hiện tôn tạo, bảo tồn nhiều di tích, gồm có đình, văn chỉ Bát Tràng; khu lò bầu cổ, nhà nghệ nhân.

Một trong những nét mới của khu du lịch Bát Tràng là du khách được tham quan, trải nghiệm nhiều hoạt động tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt. Đây là công trình mới, có kiến trúc độc đáo, được ví như bảo tàng gốm sứ của Bát Tràng.

Xây dựng lại sản phẩm du lịch

Sở Du lịch Hà Nội xác định Bát Tràng là một trong những tuyến du lịch trọng điểm nên đã phối hợp với UBND huyện Gia Lâm khảo sát, đánh giá lại thực trạng để nâng cấp chất lượng tuyến du lịch trung tâm Hà Nội - Làng nghề Bát Tràng.

Theo ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, điểm yếu của du lịch Bát Tràng là các điểm đến hấp dẫn nằm khá rải rác, thiếu sự kết nối thành tour, tuyến. Dù đã có tuyến xe buýt đi từ nội thành đến Bát Trang, nhưng để thu hút du khách hơn, Bát Tràng cần có thêm nhiều tuyến xe buýt du lịch chất lượng.

Ông Phùng Quang Thắng cho biết thêm, để nâng cấp chất lượng tuyến du lịch Bát Tràng, Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitoursit) sẵn sàng phối hợp với UBND xã Bát Tràng xây dựng thêm các sản phẩm du lịch, dự kiến sẽ được giới thiệu tại Hội chợ du lịch quốc tế - Hà Nội VITM 2022, diễn ra từ ngày 31/3 đến 3/4.

Đóng góp cho việc nâng cấp chất lượng tuyến du lịch Bát Tràng, ông Nguyễn Thủy, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết: “Hiện hoạt động vận chuyển khách từ nội thành đến Bát Tràng còn gặp khó khăn do thiếu tính kết nối giữa đơn vị vận chuyển với địa phương. Nếu địa phương có phương án đón khách, đơn vị sẵn sàng tổ chức thêm tuyến xe buýt du lịch 2 tầng từ nội thành Hà Nội tham quan Bát Tràng”.

Về các giải pháp phát triển du lịch Bát Tràng thành sản phẩm hấp dẫn của Hà Nội, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, ngoài xây dựng sản phẩm mới, địa phương cần chú trọng tới việc bảo vệ cảnh quan, môi trường; tổ chức lại giao thông nội vùng; tăng cường kết nối giao thông, du lịch với các địa phương lân cận cũng như cần chủ động liên kết với các đơn vị kinh doanh du lịch có phương án đưa, đón khách nội địa và quốc tế.

Theo bà Đặng Thị Huyền, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 có xác định phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ cho du lịch. Tới đây, địa phương sẽ quan tâm đến việc phối hợp với các đơn vị để trước mắt hình thành sản phẩm du lịch mới, sẵn sàng cho việc đón khách nội địa và quốc tế. Bên cạnh đó, huyện Gia Lâm phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội ứng dụng công nghệ 4.0 triển khai đầu tư du lịch thông minh tại Bát Tràng; Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và các loại hình dịch vụ du lịch dưới dạng phim 3D. Đầu tư hệ thống thuyết minh tự động tại các điểm tham quan và hệ thống du lịch thông minh qua ứng dụng trên điện thoại; Tạo mã QR giới thiệu các di tích văn hóa, lịch sử bằng 2 thứ tiếng Việt và Anh.

XM/Báo Tin tức
Get on Hanoi 2022: Sôi động - hấp dẫn và mới lạ
Get on Hanoi 2022: Sôi động - hấp dẫn và mới lạ

Tối 25/3, tại khu vực nhà Bát Giác, vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội khai mạc chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi 2022”. Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động sôi nổi kích hoạt du lịch Thủ đô trong điều kiện “bình thường mới”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN