Tạo bứt phá thu hút đầu tư - Bài cuối: Trợ lực cải thiện môi trường đầu tư 

Cà Mau có tiềm lực phong phú, dồi dào với tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn thách thức trong tiến trình phát triển.

Từ thực tế đó, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp một cách quyết liệt, nhất là trong chỉ đạo, điều hành, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Vùng đất năng động, phát triển

Trong định hướng chung, tỉnh Cà Mau đã và đang thực hiện đa dạng hoá các quan hệ hợp tác, hoàn thiện thể chế và cải thiện môi trường đầu tư để thu hút vốn đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau, đưa Cà Mau phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Chú thích ảnh
 Khu vực Mũi Cà Mau nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXVN phát

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, tín hiệu tích cực trong 9 tháng năm 2019, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và tổng vốn đăng ký đều tăng so với cùng kỳ. Đến nay, Cà Mau có 339 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký trên 2.500 tỷ đồng, bình quân vốn đăng ký 7,6 tỷ đồng/doanh nghiệp. Qua đó, lũy kế đến nay, tỉnh có hơn 3.800 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số vốn đăng ký trên 43.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tính từ đầu năm đến nay, Cà Mau đã thu hút mới 25 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký trên 21.614 tỷ đồng; trong đó, có 4 dự án đầu tư thuộc khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký 2.193 tỷ đồng. Đặc biệt, có 2 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 1.828 tỷ đồng. Song song với đó, tổng số đến nay đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 350 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 114.400 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đánh giá, có thể nói, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Cà Mau, các doanh nghiệp ngày càng phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Thị trường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp ngày càng được mở rộng, khẳng định uy tín, thương hiệu của mình trên thị trường trong và ngoài nước.

Nếu như đến cuối năm 2005, tỉnh chỉ có hơn 2.400 doanh nghiệp thì đến nay đã có gần 4.000 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 43.300 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi số lượng doanh nghiệp và gấp 10 lần số vốn đăng ký. Ngoài ra, còn có 201 hợp tác xã và gần 26.350 hộ kinh doanh cá thể.

Bên cạnh đó, địa phương đã hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nâng cao uy tín, chất lượng thương hiệu sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu doanh nghiệp, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Một số doanh nghiệp nằm trong tốp đầu các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 100 triệu USD…

Tạo cú huých từ cơ chế thu hút

Ông Huỳnh Quốc Việt, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau cho rằng, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, các lĩnh vực mũi nhọn của tỉnh như nông nghiệp, du lịch…, hiện vẫn chưa có các dự án lớn. Việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh còn chậm; kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính vẫn còn hạn chế nên việc khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương còn nhiều bất cập.

Cụ thể năm 2018, Chỉ số (PCI) của tỉnh đã tăng được 2 bậc so năm 2017, với thứ hạng tuy có tăng nhưng không đáng kể cũng làm ảnh hưởng đến cảm nhận của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thẳng thắn, những mặt hạn chế cần tập trung tháo gỡ, điển hình như: Tái cơ cấu doanh nghiệp còn chậm; sản xuất - kinh doanh ở một số lĩnh vực chưa bền vững, đa số các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao; việc ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất còn hạn chế,…Tuy giải quyết nhiều công ăn, việc làm, nhưng số hộ nghèo, tình trạng thất nghiệp trong lực lượng lao động còn cao. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, thiếu đồng bộ,... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và thu hút đầu tư của tỉnh.

Với quyết tâm đưa Cà Mau trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, UBND tỉnh luôn tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư tại Cà Mau. Ngoài các chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư theo quy định chung, hiện tỉnh đang tích cực thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kiến thức hội nhập quốc tế, về đổi mới công nghệ, tiếp cận thông tin, thị trường…

Bên cạnh đó, với mục tiêu đưa nền hành chính hướng tới sự kiến tạo, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, Cà Mau tập trung đẩy mạnh việc cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, rút ngắn quy trình, thời gian thực hiện thủ tục cấp quyết định đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Cụ thể hóa vấn đề này, Cà Mau đã thành lập Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính công, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khẳng định, lãnh đạo tỉnh Cà Mau luôn sẵn sàng lắng nghe, giải đáp những vướng mắc, khó khăn mà các doanh nghiệp, doanh nhân đặt ra. Cà Mau luôn đón nhận những ý kiến đóng góp chân thành, những lời tâm huyết của doanh nghiệp, của nhà đầu tư với tinh thần cầu thị, hướng tới tương lai để xây dựng hình ảnh địa phương luôn hấp dẫn, là điểm đến đầu tư lý tưởng cho các doanh nghiệp. Tỉnh sẽ kiên quyết xử lý, không có vùng cấm đối với những cá nhân, cơ quan, đơn vị gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp…

Để từng bước cụ thể hóa mục tiêu, trước mắt, Cà Mau sẽ ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; xây dựng hệ thống giao thông theo hướng tập trung đầu tư các công trình quan trọng mang tính đột phá gắn với kết nối, liên kết vùng, tạo hiệu ứng lan toả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, tỉnh Cà Mau đang cố gắng đầu tư cải thiện điều kiện kết cấu hạ tầng, chuẩn bị mặt bằng sạch để các nhà đầu tư có điều kiện triển khai nhanh các dự án đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, Cà Mau sẽ tiếp tục tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược để thu hút đầu tư. Đó là, đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính. Mục tiêu tỉnh đặt ra là làm thế nào rút ngắn đến mức thấp nhất thời gian, thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Huỳnh Anh  (TTXVN)
Tạo bứt phá thu hút đầu tư - Bài 1: Điểm nhấn mời gọi doanh nghiệp
Tạo bứt phá thu hút đầu tư - Bài 1: Điểm nhấn mời gọi doanh nghiệp

Là một trong bốn mũi nhọn của “Tứ giác động lực” phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, nhất là trong các lĩnh vực, như: khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; du lịch và Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN