Bên cạnh đó, Cà Mau lại nằm ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, nhất là trong vùng vịnh Thái Lan, là những khu vực có trữ lượng dầu khí lớn, có tiềm năng du lịch sinh thái và du lịch biển, đảo. Tất cả những yếu tố tổng hòa trên đã tạo cho Cà Mau một lợi thế không dễ để so sánh trong việc thu hút các nhà đầu tư tìm đến.
Vai trò đặc biệt trong “Tứ giác động lực”
Với diện tích 39.734km², chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, thủy sản, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Cà Mau nói riêng.
Vùng đất này đã có sự thay đổi rõ rệt, cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện. Điều này khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước. Từ đó, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể phục vụ phát triển đất nước.
Với điều kiện thuận lợi đó, mục tiêu nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long là quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; trong đó, tập trung phát triển các tiểu vùng mà tiểu vùng bán đảo Cà Mau bao gồm: khu vực tỉnh Cà Mau và khu vực phía Nam tỉnh Kiên Giang là một mắt xích quan trọng trong tổng hòa mối liên kết vùng.
Tại tiểu vùng này, sẽ tập trung phát triển công nghiệp năng lượng, hóa chất, công nghiệp dịch vụ dầu khí tại khu vực Khánh An, Năm Căn (Cà Mau); các trung tâm thương mại, dịch vụ tại thành phố Cà Mau, Sông Đốc, Năm Căn. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống thủy lợi; mở rộng diện tích nuôi tôm công nghiệp gắn với chế biến, xuất khẩu; phát triển lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng quốc gia Đất Mũi, U Minh Hạ, U Minh Thượng, du lịch sinh thái rừng ngập mặn và khu vực hải đảo.
Ngoài vùng biển rộng lớn. Cà Mau còn có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản chất lượng cao, trên có rừng, dưới có biển đã tạo cho cà mau có nhưng lợi thế đặc biệt so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, Cà Mau được kết nối với các thành phố trung tâm và các địa phương trong khu vực bằng nhiều hệ thống giao thông rất thuận lợi cho việc giao thương gồm: đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường biển qua cảng Năm Căn. Về đường bộ, Cà Mau có thêm tuyến đường Hồ Chí Minh về xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển đã được thông tuyến đi vào khai thác.
Ông Quách Văn Ấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau thông tin, do có vị trí thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, những đặc thù về sinh thái rừng, biển, khí hậu rất ôn hòa… tạo cho Cà Mau có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế thủy sản, nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, khai thác khí đốt, dầu khí và dịch vụ cảng biển. Dự kiến, đến năm 2020, tổng dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh có khoảng 894.000 người, tỷ lệ lao động xã hội qua đào tạo, dạy nghề đến năm 2020 đạt 50% trở lên.
Vùng đất giàu tiềm năng
Năm 2015, dự án cảng biển quốc tế trên đảo Hòn Khoai được Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành sẽ đón tàu có tải trọng 250.000DWT. Cảng Hòn Khoai sẽ tạo ra một con đường cảng biển quan trọng của Việt Nam, giúp Việt Nam kết nối với các nước trong khu vực như: Campuchia, Philippines, Mianmar, Lào, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei….
Bên cạnh đó, Cà Mau hiện có gần 4.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Theo UBND tỉnh Cà Mau, đa số các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đặc biệt trong các lĩnh vực chế biến thủy sản, nuôi trồng xuất khẩu thủy sản, khí- điện – đạm Cà Mau, du lịch… Liên tục trong 5 năm qua. Cà Mau xuất khẩu khoảng 600.000 tấn/năm hải sản tới 40 quốc gia, giá trị đạt 5,6 tyt USD. Cà Mau đã vươn lên dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm, đạt 1,3 tỷ USD/năm.
Bên cạnh đó, theo Đề án Tái cơ cấu kinh tế đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh xác định tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả và bền vững, kết hợp phát triển chiều rộng và chiều sâu; nâng cao hiệu quả các nguồn lực xã hội, tăng năng suất lao động để nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt thông tin, tỉnh sẽ tập trung phấn đấu, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng phù hợp với quy hoạch; tập trung kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực thủy hải sản vốn là thế mạnh của tỉnh và các dự án đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng khí tự nhiên...
Bài cuối: Trợ lực cải thiện môi trường đầu tư