Tăng tỷ trọng chế biến sâu đối với cà phê

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê vối hàng đầu thế giới, nhưng mức tiêu thụ trong nước hiện còn rất thấp. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam kiến nghị cần sớm có chiến lược kích cầu tiêu dùng cà phê nội địa để nâng cao giá trị gia tăng của cà phê Việt Nam.


Sản lượng cà phê nhân và kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm sau đều cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2012, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê thu về 4,3 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu cà phê thô là 3,74 tỷ USD xuất, còn doanh thu từ mặt hàng cà phê chế biến sâu (vừa tiêu thụ nội địa, vừa xuất khẩu - chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng) là khoảng 12.000 tỷ đồng, tương đương trên 600 triệu USD. Trong khi đó, nếu xuất khẩu lượng cà phê này, các doanh nghiệp chỉ thu về được gần 200 triệu USD. Như vậy, doanh thu của cà phê chế biến sâu cao gấp 3 lần so với xuất khẩu cà phê nhân nguyên liệu.


Theo tính toán của các chuyên gia, bình quân, mỗi người Việt Nam chỉ mới sử dụng khoảng 0,7 kg cà phê/năm, bằng 1/10 so với các nước phát triển. Nếu có chiến lược kích cầu tiêu thụ nội địa tốt, hướng đến 50% sản lượng cà phê nhân thô được chế biến thành các sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan, với chất lượng cao, có giá bản khoảng 5.000 đồng/ly (bằng một nửa giá một ly cà phê tại các quán bình dân), ngành cà phê sẽ thu về hơn 300.000 tỷ đồng (tương đương 15 tỷ USD)…


Các quốc gia trên thế giới thường bảo hộ sản xuất trong nước, nên việc doanh nghiệp của ta xuất khẩu cà phê chế biến sâu khó hơn rất nhiều so với xuất khẩu cà phê nhân thô. Ngược lại, xuất khẩu cà phê nhân thô tuy dễ dàng hơn nhưng nhược điểm là giá cả rất bấp bênh, giá trị gia tăng lại thấp. Thực tế cho thấy, khi tỷ lệ xuất khẩu quá cao, nhà sản xuất cà phê thường bị lệ thuộc vào các nhà nhập khẩu cà phê. Thế nên, thúc đẩy tiêu dùng nội địa chính là cách làm căn cơ nhất đối với ngành cà phê, làm cho tiếng nói của nhà xuất khẩu cà phê nhân thô có trọng lượng hơn khi đàm phán với các nhà nhập khẩu.


Tuy nhiên, việc chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê của nước ta còn quá nhiều hạn chế. Theo Cục chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hiện nay, lượng cà phê chế biến sâu mới chỉ đạt gần 100.000 tấn/năm, chủ yếu là cà phê bột, cà phê hòa tan. Theo quy hoạch đến năm 2030, Nhà nước khuyến khích các nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư xây dựng mới các nhà máy chế biến sâu cà phê, sử dụng từ 15 - 20% tổng sản lượng cà phê nhân thô của cả nước.


Trước mắt, trong năm tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ban hành quy hoạch chi tiết về mạng lưới chế biến cà phê gắn với vùng nguyên liệu, trong đó, tập trung các cơ chế, chính sách để phát triển chế biến sâu cà phê. Bộ cũng ban hành thêm các quy chuẩn về chất lượng cà phê hòa tan, cà phê bột, quy chuẩn về đảm bảo an toàn cơ sở chế biến cà phê hòa tan, cà phê bột nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất ra các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.


Đắk Lắk, địa phương có diện tích, sản lượng cà phê lớn nhất nước - trong vài năm trở lại đây đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển các cơ sở chế biến sâu cho cà phê. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại đây đã đầu tư nâng công suất các nhà máy chế biến sâu cà phê như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái nâng công suất từ 1.000 tấn lên 2.500 tấn sản phẩm/năm, Công ty cà phê Ngon (100% vốn nước ngoài của Ấn Độ) đầu tư 18 triệu USD để nâng công suất từ 6.000 tấn sản phẩm tăng lên 10.000 sản phẩm cà phê hòa tan/năm. Công ty Cổ phần cà phê Trung Nguyên đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê bột - cà phê hòa tan với công suất 60.000 tấn sản phẩm/năm… Tại thành phố Buôn Ma Thuột đang xuất hiện phong trào nhà nhà đua nhau mở quán cà phê, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê. 


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có trên 614.545 ha cà phê, trong đó có 65.415 ha cà phê kiến thiết cơ bản, diện tích còn lại là cà phê kinh doanh đưa vào thu hoạch, với sản lượng mỗi niên vụ đạt từ 1,273 triệu tấn cà phê nhân trở lên.

 

Theo ông Lương Văn Tự, khi bán 1 kg cà phê nhân như hiện nay, các doanh nghiệp thu về khoảng 2 USD, tương đương với giá trung bình của 1 ly cà phê ở các nước nhập khẩu. Trong khi đó, từ một kg cà phê nhân (cà phê nguyên liệu), có thể pha chế được từ 50 ly cà phê trở lên!


Quang Huy

Tăng tỷ trọng chế biến sâu đối với cà phê

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê vối hàng đầu thế giới, nhưng mức tiêu thụ trong nước hiện còn rất thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN