So với cùng kỳ năm ngoái, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng trưởng 5,2% trong quý III, mức cao nhất kể từ quý IV/2021 và cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng ước tính 4,9% được công bố vào tháng 10/2023.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, việc điều chỉnh mức tăng trưởng của quý III cao hơn so với số liệu được công bố trước đó chủ yếu là do những điều chỉnh tăng trong đầu tư cố định phi dân sự cũng như chi tiêu của chính quyền tiểu bang và địa phương. Nền kinh tế Mỹ đã chứng minh sự mạnh mẽ vượt kỳ vọng, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang (Fed) áp dụng chính sách tăng nhanh lãi suất để kiềm chế lạm phát nhanh chóng khiến nhiều chuyên gia dự đoán về một cuộc suy thoái có thể xảy ra. Tuy nhiên, chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi thị trường việc làm vững chắc, đã giúp ngăn chặn nền kinh tế Mỹ bị suy thoái cho đến nay.
Một số chuyên gia kinh tế đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ của quý III chủ yếu phản ánh sự gia tăng trong chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư hàng tồn kho tư nhân. Theo bà Rubeela Farooqi, nhà kinh tế trưởng của High Frequency Economics, xu hướng tiêu dùng sẽ là yếu tố then chốt cho tăng trưởng kinh tế Mỹ trong thời gian tới. Bà Rubeela Farooqi dự báo kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại đáng kể trong quý IV/2023, do chi tiêu các hộ gia đình sẽ giảm tốc trước những tác động tích lũy của chính sách thắt chặt tiền tệ.
Chi tiêu tiêu dùng của Mỹ dường như đã hạ nhiệt đáng kể vào đầu quý IV, với doanh số bán lẻ giảm lần đầu tiên sau bảy tháng vào tháng 10. Thị trường lao động cũng đang được nới lỏng. Tăng trưởng việc làm đã chậm lại trong tháng 10 và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao trong gần hai năm là 3,9%.
Nhu cầu chậm lại đã làm tăng sự lạc quan về việc Fed có thể đã hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất và thị trường tài chính thậm chí còn kỳ vọng sẽ có đợt cắt giảm lãi suất vào giữa năm 2024.