Trọng tâm chú ý của thị trường đang chuyển sang dữ liệu lạm phát của Mỹ dự kiến sẽ được công bố vào tuần này.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,4%, lên 2.010,87 USD/ounce vào lúc 14 giờ 8 phút (giờ Việt Nam) sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 16/5 trong cùng phiên. Giá vàng giao tháng 12/2023 của Mỹ cũng tăng 0,41% lên 2.011,90 USD/ounce.
Ông Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường tại chuyên trang tài chính Capital.com cho biết, yếu tố khiến giá vàng biến động hiện thời là đồng USD giảm do số liệu yếu kém gần đây của Mỹ.
Chuyên gia của Capital.com nói thêm rằng các số liệu kinh tế được công bố trong tuần này của Mỹ, bao gồm tốc độ tăng trưởng và lạm phát, sẽ quyết định liệu giá vàng có duy trì trên ngưỡng 2.000 USD/ounce hay không.
Trọng tâm thị trường hiện chuyển sang số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III của Mỹ dự kiến công bố vào ngày 29/11 (giờ địa phương), cùng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) vào một ngày sau đó.
Các số liệu gần đây cho thấy dấu hiệu lạm phát chậm lại ở Mỹ. Diễn biến đó đã làm tăng kỳ vọng rằng Fed có thể bắt đầu nới lỏng các chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.
Hiện các nhà giao dịch kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 12 tới. Đồng thời, họ nhận định Fed có khoảng 60% khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 5/2024.
Nhà phân tích kỹ thuật Wang Tao của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) nhận định giá vàng giao ngay có thể mở rộng mức tăng trong phạm vi từ 2.026 - 2.032 USD/ounce, vì đã vượt qua ngưỡng kháng cự 1.999 USD/ounce.
Giá dầu Brent trượt về mốc 80 USD/thùng
Giá dầu Brent xuống quanh mức 80 USD/thùng trong chiều 27/11, khi giới đầu tư chờ đợi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đạt được thỏa thuận hạn chế nguồn cung đến năm 2024 vào cuối tuần này.
Theo đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 39 xu Mỹ (tương đương 0,5%) xuống 80,19 USD/thùng vào lúc 14 giờ 28 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 44 xu Mỹ (0,6%) xuống mức 75,10 USD/thùng.
Giữa tuần trước, giá dầu đã lao dốc giảm sau khi OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) đã hoãn cuộc họp cấp bộ trưởng từ ngày 26/11 sang ngày 30/11, để giải quyết những khác biệt về mục tiêu sản xuất của các nước thành viên châu Phi.
Kể từ đó, bốn nguồn thạo tin cho hay nhóm này đã tiến gần hơn đến một thỏa hiệp.
Các nhà phân tích của ngân hàng ING cho biết, tâm lý thị trường vẫn tiêu cực do tranh chấp về hạn ngạch sản xuất của nội bộ OPEC+. Song họ vẫn tin tưởng Saudi Arabia sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng dầu/ngày vào năm tới.
Nếu điều này không xảy ra, các nhà phân tích ING cảnh báo thị trường sẽ chịu áp lực giảm giá cao hơn do dư thừa nguồn cung trong quý I/2024.
Chứng khoán châu Á đồng loạt đi xuống
Các thị trường chứng khoán châu Á đa phần đi xuống trong chiều 27/11, khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ trong tuần này nhằm tìm kiếm những dấu hiệu về triển vọng lãi suất của Fed trong năm 2024.
Phiên này, chứng khoán Nhật Bản giảm điểm do hoạt động chốt lời của nhà đầu tư. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo mất 0,53% (tương đương 177,86 điểm) xuống 33.447,67 điểm.
Tại Trung Quốc, các chỉ số chính cũng giảm cùng các thị trường trên khắp châu Á. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 0,20% (34,36 điểm) xuống 17.525,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hại cũng mất 0,30% (9,27 điểm) xuống 3.031,70 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc gần như không thay đổi khi đóng cửa trong chiều thứ Hai, với chỉ số Kospi tại Seoul giảm 0,04% (0,97 điểm) xuống mức 2.495,66 điểm.
Các thị trường Sydney, Singapore, Taipei, Mumbai, Bangkok và Wellington cũng đều chìm trong sắc đỏ.
Sự thoái lui của chứng khoán châu Á diễn ra sau đợt tăng giá gần đây trên khắp các thị trường thế giới. Nhà đầu tư đặt cược rằng Fed đã hoàn tất chu kỳ nâng lãi suất khi lạm phát giảm và thị trường việc làm vẫn khá mạnh.
Trọng tâm chính trong tuần này là chỉ số PCE - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - dự kiến được công bố vào ngày 30/11.
Chuyên gia Stephen Innes của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management đánh giá thị trường sẽ xem xét kỹ lưỡng những số liệu này để hiểu rõ hơn về xu hướng lạm phát, cũng như tác động tiềm tàng của chúng đối với chính sách tiền tệ của Fed.