Giấc mơ soán ngôi kinh tế Mỹ của Trung Quốc đang xa dần?

Gần đây, xu hướng tách nhánh về tăng trưởng giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu càng trở nên rõ ràng và điều đó có thể khiến cho giấc mơ soán ngôi đầu tàu kinh tế thế giới của Trung Quốc trở nên xa vời.

Chú thích ảnh
Người dân mua hàng tại một chợ ở Khu tự trị Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 10/10 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố Báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới cho rằng nền kinh tế toàn cầu vẫn đang hồi phục từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như khủng hoảng năng lượng năm 2022, nhưng tăng trưởng có xu hướng tách nhánh. Cụ thể là Quỹ Tiền tệ quốc tế đã nâng dự đoán mức tăng trưởng của kinh tế Mỹ năm 2023 từ 1,8% lên 2,1% và năm 2024 từ 1% lên 1,5%. Trong khi đó, tổ chức này lại hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay từ 5,2% xuống còn 5% và năm 2024 từ 4,8% xuống còn 4,2%.

Nếu để ý sẽ thấy gần đây, các thể chế tài chính, ngân hàng quốc tế hoặc là giữ nguyên, hoặc là cắt giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Giới phân tích cơ bản cho rằng Trung Quốc cần có thêm các biện pháp kích cầu để đảm bảo kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 5% mà Chính phủ nước này đề ra cho năm nay. Theo hãng tin Bloomberg của Mỹ ngày 11/10, Trung Quốc dường như đã chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách, đang cân nhắc bơm thêm ít nhất 1.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 137 tỷ USD, thông qua phát hành trái phiếu để kích cầu nền kinh tế. Tình trạng giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đã gây áp lực lên nhiều thứ, từ thị trường chứng khoán nước này cho tới giá hàng hoá cơ bản. Điều này khó có thể khiến các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc yên tâm về sức khoẻ của nền kinh tế.

Cũng trong ngày 11/10, khi phát biểu tại họp báo ở thành phố Marrakech, Maroc khi tham dự Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ "hạ cánh mềm". Mỹ vừa kiềm chế được lạm phát mà vẫn tránh được suy thoái, bất chấp những rủi ro mới phát sinh như cuộc xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas ở Palestine và Israel.

Chú thích ảnh
Quang cảnh đường phố New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Trước đó, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy trong tháng 9, khu vực phi nông nghiệp có 336.000 công việc mới, gần gấp đôi con số dự báo 170.000 công việc mới mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Đây là một bằng chứng củng cố thêm nhận định rằng kinh tế Mỹ vẫn vững chắc bất chấp lãi suất cao, đình công kéo dài và căng thẳng chính trị ở Washington giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà.

Như vậy, không chỉ dự báo, mà hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu đang có những diễn biến trái ngược trên thực tế. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 10/10, vào năm 2021, GDP của Trung Quốc từng đạt mức cao kỷ lục, bằng 77,3% GDP của Mỹ với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt 8% trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ khi đó là 5,7%. Nhưng năm 2022, GDP của Trung Quốc bắt đầu giảm, xuống còn 70,7% GDP của Mỹ và trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ bằng 64,5% GDP của Mỹ, là mức thấp nhất kể từ năm 2020.

Sức mạnh của hai nền kinh tế còn có thể nhìn thấy được ở khía cạnh tiền tệ. Khi đồng bạc xanh của Mỹ tiếp tục trở thành tài sản trú ẩn an toàn và Chỉ số đồng USD liên tục tăng thì đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã mất giá hơn 3% kể từ đầu năm đến nay. Dựa trên những nghiên cứu của mình, hãng nghiên cứu Rhodium Group của Mỹ cho rằng: “Đừng nói thập kỷ, ngay cả trong thế kỷ này, kinh tế Trung Quốc cũng không thể vượt qua Mỹ”. Tuy nhiên, theo ông Wang Yongli, Tổng giám đốc công ty tài chính China International Futures, nếu có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức 4 - 5% thì Trung Quốc vẫn có cơ hội tốt để vượt qua Mỹ vào năm 2035.

Thành Nam/Báo Tin tức
IMF: Mỹ, Trung Quốc đối mặt những thách thức kinh tế khác nhau
IMF: Mỹ, Trung Quốc đối mặt những thách thức kinh tế khác nhau

Ngày 11/10, Giám đốc Tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Vitor Gaspar cho biết, cả Mỹ và Trung Quốc đều cần phải thực hiện những thay đổi lớn để đưa nợ trung hạn và thâm hụt ngân sách của mình đi theo con đường bền vững.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN