Tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất

Sáng 13/12, Báo Tài Nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm đổi mới sáng tạo VCIC tổ chức Hội thảo “Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng tăng trưởng xanh Việt Nam”.

Hội thảo lần này là cơ hội để các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý có liên quan cùng trao đổi, thảo luận về các cơ chế chính sách cũng như thực tiễn đổi mới sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng xanh Việt Nam hiện nay.

Các đại biểu tham dự hội thảo.


Ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Giảm phát thải khí nhà kính (Cục KTTV & BĐKH (Bộ TN&MT) cho biết, hiện nay Việt Nam đứng thứ 31 trên thế giới về lượng phát thải khí nhà kính, cường độ phát thải khí nhà kính trên đầu người của Việt Nam thấp hơn trung bình thế giới nhưng cường độ phát thải trên một đơn vị GDP cao hơn trung bình thế giới.


Hiện nay, dưới sự tài trợ của Ngân hàng thế giới, Việt Nam đã xây dựng dự án chuẩn bị sẵn sàng cho thị trường các-bon tại Việt Nam (VN-PMR) và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn triển khai. Để nắm bắt các cơ hội và lợi ích từ việc xây dựng và phát triển thị trường các-bon, chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh giải quyết các thách thức về năng lực giúp xây dựng và quản lý một phần thị trường trao đổi tín chỉ các-bon trong nước; khung chính sách để vận hành và quản lý thị trường. Để thực hiện được những nội dung này, doanh nghiệp (DN) đóng vai trò quan trọng, thông qua đổi mới công nghệ, phương thức sản xuất sẽ góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng tăng trưởng xanh Việt Nam.


Còn theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam là một trong những quốc gia đang chú trọng đầu tư cho các DN đổi mới sáng tạo. Do vậy, việc làm rõ khái niệm, tính chất của loại hình DN này là hết sức cần thiết, cần phân biệt DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các DN nhỏ và vừa thông thường. Hiện các DN phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo, thân thiện môi trường được nhận những hỗ trợ như: Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế thu nhập DN; Hỗ trợ một phần kinh phí hoặc vay vốn từ Quỹ PT DNNVV... Tuy nhiên, cần hơn nữa sự chủ động từ các DN.


Liên quan tới các chính sách để thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần tăng trưởng xanh, PGS.TS. Mai Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Chính xác iMetos Việt Nam ITED phân tích: Việt Nam hiện là một trong năm nước đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, trong đó nông nghiệp là ngành phải chịu ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên, lâu dài. Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn hội nhập sâu, cạnh tranh hàng hóa nông sản ngày càng gay gắt kể cả tại các ngành hàng vốn là thế mạnh canh tranh của Việt Nam như lúa gạo, cà phê, tiêu, cao su, rau hoa quả, thủy sản…Do đó, cần phải có chính sách thích hợp, thỏa đáng cho người nông dân và các DN ưu tiên nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, với thị trường. Thay cho ưu tiên lâu nay dành cho xây dựng cơ bản, xây dựng hạ tầng, công trình phòng chống lũ lụt, khoa học công nghệ là mũi nhọn cần ưu tiên nhằm cho người nông dân và DN tiếp cận, đổi mới sáng tạo cả một nền sản xuất theo hướng thông minh với khí hậu biến đổi.


Tại hội thảo, các DN: công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Công ty thoát nước và phát triển đô thị Vũng Tàu…cùng đại diện các đơn vị quản lý cũng đồng tình cao với kiến nghị cần ưu tiên các chính sách cho DN đổi mới sáng tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo mọi điều kiện để nhân rộng và phát huy các cách làm mới, sáng tạo trong ứng phó và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu… nhằm góp phần vào tăng trưởng xanh của kinh tế - xã hội đất nước nói riêng và sự phát triển bền vững khu vực, toàn cầu nói chung.

Trang Thu
Cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh”, do Chính phủ Đức tài trợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN