Tăng chất lượng nhân lực để thu hút FDI

Trong 20 năm qua, Việt Nam luôn là một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất châu Á. Tuy nhiên, nước ta cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).


Việt Nam thuộc nhóm đầu châu Á về FDI


Việt Nam đã thu hút được 206 tỷ USD vốn FDI trong 20 năm qua. Nguồn vốn này tạo ra hơn 6 triệu việc làm, đóng góp 8,3% vào GDP của Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam vẫn đang là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư và nằm trong số những nước thu hút được FDI cao nhất của châu Á. Từ năm 2007 tới nay, mỗi năm, Việt Nam thu hút được từ 7-10 tỷ USD/năm vốn FDI, ngang bằng với Thái Lan.

 

Công nhân Việt Nam làm việc tại Công ty TNHH Toyotsu Vehitecs tại Bình Dương. Ảnh: Quách Lắm - TTXVN


Theo các chuyên gia, ngoài việc ổn định về chính trị, kinh tế thì một trong những nguyên nhân giúp Việt Nam thu hút được nhiều FDI là do có nguồn lao động dồi dào, giá rẻ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia phân tích từ Unido (Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc) thì đây không phải là yếu tố bền vững để thu hút đầu tư trong tương lai.


Ông Patrick Gilabert, Trưởng đại diện của Unido Việt Nam cho rằng: “Việc thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian qua gặp một số hạn chế như: Chỉ có 5 - 6% số doanh nghiệp đầu tư mang theo công nghệ tiên tiến vào Việt Nam. Còn lại, có tới 94 - 95% số doanh nghiệp có công nghệ trung bình và thấp để tận dụng lao động giá rẻ. Việc lương của lao động của Việt Nam cũng tăng lên theo thời gian sẽ là một lực cản thu hút đầu tư”.


Theo một nghiên cứu mới nhất, được công bố ngày hôm qua (26/6) của Unido, trong 21 tiêu chí để các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn, đầu tư hoặc mở rộng đầu tư thì yếu tố chi phí lao động là một trong 4 tiêu chí đầu tiên (4 tiêu chí gồm: ổn định kinh tế, chính trị, giảm thuế và chi phí lao động).

Đầu tư của Trung Quốc không đáng kể

PGS Phạm Lợi - Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Việt Nam không lớn, nhưng đầu tư theo kiểu Trung Quốc cộng 1, cộng 2 gồm: Ma Cao, Hong Kong, Đài Loan… thì ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Việt Nam. Bởi các doanh nghiệp này cũng lệ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Do vậy, cần đàm phán với từng dự án cụ thể để có các chính sách ưu đãi thích hợp, ưu tiên dùng nguyên liệu trong nước; hạn chế để các doanh nghiệp phải bỏ thêm chi phí “bôi trơn” khi thực hiện dự án. Về vấn đề này, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Riêng Trung Quốc đại lục đầu tư 4 tỷ USD vào Việt Nam. Nếu tính Trung Quốc cộng 1, cộng 2 thì mức đầu tư vào khoảng 48 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng ta phải thấy rằng các nhà đầu tư của họ không phải là một khối đồng nhất.


“Ưu đãi về đầu tư chỉ là yếu tố bổ sung để các doanh nghiệp quyết định đầu tư. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để họ quyết định đầu tư là nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là với những doanh nghiệp có công nghệ cao”, ông Brian Portelli, chuyên gia tư vấn kỹ thuật của Unido phân tích.


Về vấn đề này, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Nguồn nhân lực chất lượng cao đang là một rào cản để thu hút đầu tư của Việt Nam. Chúng ta đang thay đổi định hướng thu hút đầu tư từ số lượng sang chất lượng. Do vậy, lợi thế về nguồn nhân lực cũng phải được nhìn nhận theo cách khác, thay vì cung cấp một lượng lao động nhiều, giá rẻ thì chúng ta phải cung cấp nguồn lao động có chất lượng cao hơn”.


Ưu tiên nhân lực chất lượng cao


Theo các chuyên gia kinh tế, gỡ khó được “nút thắt” về nhân lực sẽ giúp Việt Nam “tăng tốc” trong việc thu hút đầu tư. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nói: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ giúp Việt Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn mà không cần ưu đãi thêm cho họ”.


Cùng quan điểm này, ông Brian Portelli, chuyên gia tư vấn kỹ thuật của Unido cho rằng việc thu hút FDI của Việt Nam liên quan nhiều tới chất lượng của nguồn nhân lực. Chi phí giá rẻ không thể là yếu tố bền vững. Nguồn nhân lực có chất lượng mới chính là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế, tạo ra cơ hội lớn hơn cho Việt Nam.


“Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển thấp, nên ưu đãi đầu tư vẫn còn là yếu tố quan trọng. Nhưng khi thay đổi định hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao thì yếu tố nguồn nhân lực sẽ đóng vai trò quan trọng hơn”, ông Patrick Gilabert, Trưởng đại diện của Unido Việt Nam bổ sung.


Tuy nhiên, ông Patrick Gilabert cho rằng, với Việt Nam, ưu đãi đầu tư vẫn là một trong những yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư xem xét. Bởi khi các nhà đầu tư nước ngoài chọn địa điểm đầu tư ở khu vực Đông Nam Á, có nhiều nước có đặc điểm tương đồng với Việt Nam như: Thái Lan, Philippines và Indonesia… thì họ sẽ so sánh tới yếu tố ưu đãi đầu tư, địa điểm kinh doanh. Do vậy, ưu đãi vẫn đang là một trong các yếu tố quan trọng để họ xem xét đầu tư.

 

Hữu Vinh

Coi trọng chất lượng dự án FDI
Coi trọng chất lượng dự án FDI

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để thu hút được nhiều vốn đầu tư hơn và nâng cao chất lượng dự án, Việt Nam cần vận dụng những chính sách cho phù hợp với yêu cầu của các nhà đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN