Tham dự hội nghị có khoảng 200 đại biểu từ các bộ, ngành Trung ương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trong cả nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định: Tình hình sản xuất, tiêu thụ gạo toàn cầu đang diễn biến khó lường cùng với sự xuất hiện của El Nino… làm giá cả tăng mạnh. Đây cũng là thời cơ xuất khẩu được nhiều, bán được giá cao nhưng phải giữ vững an ninh lương thực và giữ thương hiệu gạo Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, với sản lượng dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn lúa, sau khi đã để tiêu dùng nội địa (như bảo đảm an ninh lương thực trong nước và chế biến, làm giống, thức ăn chăn nuôi) thì Việt Nam có thể xuất khẩu được trên 7,5 triệu tấn gạo, cao hơn 400.000 tấn so với năm trước.
Do đó, việc cần làm là tận dụng thời cơ về giá để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo, khai thác thị trường truyền thống và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhưng gắn với đó phải giữ được thương hiệu gạo đã xây dựng thời gian qua, đồng thời đảm bảo giữ vững an ninh lương thực quốc gia, bởi theo ông Diên “100 triệu dân mà thiếu gạo ăn là cực kỳ nguy hiểm”.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh: Các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và thương nhân tích cực phối hợp với Bộ Công Thương đảm bảo tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả… qua đó tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong dài hạn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tại hội nghị, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: đến hết tháng 7, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2%.
Một số thị trường truyền thống tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể là Philippines - thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 40,1% tổng lượng xuất khẩu trong 6 tháng năm 2023 (tương đương xuất khẩu đạt gần 1,7 triệu tấn) tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Đứng thứ 2 là Trung Quốc chiếm trên 16% trong tổng lượng xuất khẩu (tương đương 677,4 nghìn tấn) tăng 60,7% so với cùng kỳ năm 2022. Indonesia đứng thứ 3, chiếm 11,6% trong tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước (tương đương 492,8 nghìn tấn) tăng 15 lần về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022).
Về giá gạo xuất khẩu, quý I/2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến đổi phức tạp, nhu cầu dự trữ lương thực của các nước tăng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức cao, dao động khoảng 450 USD/tấn, có thời điểm vượt giá gạo Thái Lan cùng chủng loại.
Bước sang quý II, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiếp tục tăng trong khi nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế. Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tăng lên 535 USD/tấn vào tháng 5/2023. Ngày 20/7, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ra thông báo cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo (trừ gạo basmati), có hiệu lực ngay từ thời điểm ban hành. Ngay sau thông báo của Ấn Độ, giá gạo Thái Lan có xu hướng tăng khoảng 5 USD/tấn trong khi giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn giữ ổn định trong tuần đầu tiên kể từ thời điểm Ấn Độ ra thông báo.
“Do có độ trễ so với gạo Thái Lan, mức tăng giá của gạo Việt Nam diễn ra chậm. So với ngày 20/7, hiện giá gạo Thái Lan tăng gần 60 USD/tấn trong khi giá gạo Việt Nam mới tăng có 25 USD/tấn”, Cục trưởng Trần Duy Đông cho hay.
Đến ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt trung bình 590 USD/tấn, mức cao nhất trong 11 năm qua, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước; thấp hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 35 USD/tấn. Đối với gạo thơm, giá xuất khẩu trung bình gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 690 USD/tấn, tăng khoảng 80 USD so với tháng trước.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm nay diện tích gieo trồng lúa của cả nước là 1,7 triệu ha với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn. Ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống và chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Hiện các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ mùa và vụ Thu Đông năm 2023 và thu hoạch vụ Hè Thu năm 2023. Đến nay, đã thu hoạch gần 3,7 triệu ha, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022. Năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha nên sản lượng thu hoạch 7 tháng năm 2023 đạt trên 24,1 triệu tấn, tăng 0,4%.
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, từ nay đến cuối năm, nếu thời tiết không diễn biến bất thường thì sản lượng lúa sẽ đảm bảo kế hoạch, đáp ứng đủ nhu cầu lúa, gạo trong nước và phục vụ xuất khẩu. Sản lượng lúa dành cho xuất khẩu ước đạt khoảng 15,1 triệu tấn, tương đương 7,5 triệu tấn gạo.
Ông Cường cũng nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ điều kiện cũng như nhiều giải pháp về bố trí thời vụ, cơ cấu giống, quy trình canh tác cũng như các giải pháp về công trình như hệ thống thủy lợi để hạn chế mức độ ảnh hưởng của El Nino ở mức thấp nhất so với nhiều quốc gia trên thế giới.
Tuy đạt được những kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2023 nhưng đến giữa tháng 7 năm 2023 thị trường thương mại gạo toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu diễn biến phức tạp như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số thị trường (Ấn Độ, UAE, Nga); hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ngũ cốc tại nhiều khu vực; tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp (Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen);... Điều này dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023.
Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát cho rằng, giá gạo xuất khẩu tăng là điều đáng mừng nhưng doanh nghiệp xuất khẩu lại gặp khó do giá lúa thu mua của nông dân đang tăng lên từng ngày.
“Vừa mới đây, giá lúa đang là 6.500 đồng/kg thì vài ngày nay đã tăng lên 7.400 đồng/kg, mỗi ngày tăng 300 - 500 đồng/kg. Giá lúa tăng không có điểm dừng nhưng vì ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác trước đó nên không thể xin tăng giá gạo lên, nếu muốn mua được lúa thì bắt buộc phải mua giá cao”, bà Huyền nói và đề xuất cần có giá sàn cho lúa, đồng thời giãn thời gian xuất khẩu đề doanh nghiệp có thời gian gom hàng.
Tại hội nghị, các đại biểu là đại diện các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đã trao đổi, rà soát, đánh giá yếu tố bất lợi khí hậu El Nino tác động đến tình hình sản xuất, sản lượng thóc, gạo hàng hóa phục vụ nhu cầu nội địa đến cuối năm cũng như nhận định nhu cầu thị trường, tín hiệu về động thái chính sách, thông tin từ các thị trường xuất nhập khẩu gạo lớn trên thế giới.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Lương thực Việt và các thương nhân xuất khẩu gạo báo cáo tình hình sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất khẩu gạo đặc biệt trong vụ Hè Thu đồng thời chia sẻ nhận định dự báo tình hình thương mại gạo thế giới trong thời gian tới; những cơ hội và thách thức đặt ra cho thương nhân trong những tháng cuối năm 2023; đề xuất những giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương nhân thu mua thóc, gạo, tổ chức sản xuất, chủ động phương án đàm phán giao dịch nâng cao hiệu quả xuất khẩu; để từ đó các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan nắm bắt và trao đổi, giải đáp hoặc kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.