Tái phát các ổ dịch tả lợn châu Phi tại Lai Châu

Ngày 24/6, ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu) cho biết, sau hơn 2 tháng công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Lai Châu, dịch bệnh này lại tiếp tục tái phát tại 4/7 xã, phường thuộc thành phố Lai Châu.

Chú thích ảnh
Cán bộ thú y phường Quyết Thắng phun tiêu độc khử trùng cho các hộ gia đình trong vùng dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Hiện cơ quan chuyên môn, địa phương đang khẩn trương chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc thực hiện những biện pháp nhằm khoanh vùng, ngăn chặn dịch bệnh lây rộng ra các địa bàn lân cận.

Cụ thể, ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại bản Màng, phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu vào ngày 8/6. Các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương và có kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đến ngày 10/6, Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu đã có quyết định công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn phường Quyết Thắng.

Từ ngày 15/6 đến nay, các ổ dịch liên tiếp bùng phát tại các bản khác của phường Quyết Thắng, phường Đông Phong và xã San Thàng, xã Sùng Phài. Đến nay, phường Quyết Thắng, xã San Thàng, xã Sùng Phài đã có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi.

Như vậy, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 9 hộ chăn nuôi, 6 bản của phường Quyết Thắng và xã San Thàng, Sùng Phài; với tổng số lợn mắc bệnh gần 100 con, trọng lượng đã tiêu hủy trên 6,5 tấn.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết thêm, trước diễn biến nhanh chóng của dịch bệnh, UBND tỉnh Lai Châu đã yêu cầu triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật và tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh; đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các huyện tiếp tục triển khai đồng bộ các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh.

Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh tả lợn châu Phi, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh và thiệt hại kinh tế đối với đời sống của bà con nhân dân; giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan cán bộ phụ trách các địa phương; thành lập đoàn thường xuyên đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở.

Đối với vùng xảy ra dịch bệnh, xử lý nghiêm các ổ dịch không để lây lan sang các hộ chăn nuôi và địa phương khác; tăng cường kiểm tra, kiểm dịch vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn cũng như kiểm soát giết mổ trên địa bàn; tăng cường, củng cố các đội kiểm tra lưu động để kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...

Ngoài ra, ngành chăn nuôi và thú y cũng khuyến cáo người dân sử dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; kiểm soát tốt hoạt động ra vào trại, thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng khu vực xung quanh chuồng trại, vật dụng chăn nuôi…

Chú thích ảnh
Bà Vương Thị Sáu ở bản Màng, phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu vệ sinh chuồng trại sau khi đem lợn đi tiêu hủy. Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN

Gia đình bà Vương Thị Sáu, bản Màng, phường Quyết Thắng nuôi 16 con lợn thịt. Mặc dù, hàng ngày thường xuyên vệ sinh chuồng trại, khử trùng nhưng lợn vẫn bị ốm chết. Nguyên nhân, có thể là do con giống đã bị ủ bệnh từ trước. Khi lợn chết, bà Sáu đã báo chính quyền địa phương và tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn.

Theo bà Sáu: "Toàn bộ tiền vốn của gia đình đều đầu tư vào chăn nuôi lợn, nay lợn chết không biết trang trải cuộc sống như thế nào". Bà mong muốn Nhà nước và tỉnh Lai Châu xem xét có chính sách hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho người dân.

Theo cơ quan chức năng nhận định, nguyên nhân tái phát các ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố Lai Châu có thể do tái phát từ những ổ dịch cũ xảy ra năm 2019, mầm bệnh tả lợn châu Phi tồn tại lâu trong môi trường; khi vào Hè khí hậu thời tiết thất thường, làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, virus thuận lợi phát triển.

Việc kiểm soát lợn, sản phẩm của lợn vào địa bàn tỉnh Lai Châu từ các địa phương khác trong cả nước từ đầu năm 2020 đến nay không được thực hiện do giải thể các chốt kiểm dịch động vật, trong khi các tỉnh lân cận như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái… đều đang tái phát dịch.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung, mà chỉ có 251 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm ngay trong khu dân cư… điều này, tạo nguy cơ cao cho dịch bệnh tái phát và lây lan dịch bệnh từ nơi này sang nơi khác. Do đó, chỉ trong hai ngày 22 - 23/6, dịch bùng phát đồng loạt tại xã San Thàng, xã Sùng Phài và phường Đông Phong.

Bà Hoàng Thị Thanh, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Lai Châu cho hay, hiện trên địa bàn thành phố có trên 12.000 con lợn; trong đó, xã San Thàng và phường Đông Phong là hai địa phương có số lượng lợn lớn. Để hạn chế việc lây lan ra các xã phường còn lại, thành phố Lai Châu đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp tiêu độc khử trùng theo quy định, đến nay thành phố đã cấp hơn 400 lít hóa chất cho các địa phương; tiến hành thống kê đàn lợn đến từng hộ chăn nuôi, yêu cầu ký cam kết với các hộ chăn nuôi không bán lợn trong thời gian này….

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 19/3/2019, đến ngày 31/3/2020 UBND tỉnh Lai Châu đã công bố hết dịch. Dịch bệnh này đã xảy ra tại 5.633 hộ ở 585 bản của 93 xã, phường thuộc 8 huyện, thành phố trong tỉnh; tổng trọng lượng lợn tiêu hủy hơn 21.270 con, với trên 875 tấn.

Đinh Thùy (TTXVN)
Chủ động ngăn chặn nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi 
Chủ động ngăn chặn nguy cơ tái phát dịch tả lợn châu Phi 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đưa ra cảnh báo, tuy dịch bệnh trên địa bàn đã được kiểm soát nhưng vẫn có khả năng tái phát trong thời gian tới nếu các địa phương chủ quan hoặc buông lỏng quản lý, giám sát, xử lý ổ dịch mới phát sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN