Sức mua hàng Tết giảm

Bộ Tài chính cho biết, thị trường hàng hóa dịch vụ phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014 sôi động từ giữa tháng 1/2014 nhưng sức mua dịp Tết năm nay thấp hơn so với Tết Quý Tỵ 2013. Nhìn chung, giá cả hàng hóa Tết ổn định, không biến động nhiều do nguồn hàng dồi dào, thời tiết thuận lợi và người dân thắt chặt chi tiêu hơn.


Nguồn cung dồi dào


Theo đánh giá của Bộ Tài chính, theo quy luật, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ dịp Tết Nguyên đán của các tầng lớp dân cư có xu hướng tăng, nên ngay từ giữa tháng 1/2014, thị trường hàng hóa dịch vụ phục vụ Tết đã bắt đầu sôi động. Tuy vậy, sức mua Tết Giáp Ngọ thấp hơn Tết Quý Tỵ; chỉ tăng 15 - 20% so với ngày thường tại các đô thị lớn; tăng 10 - 15% tại các vùng nông thôn. Do kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng cũng cân nhắc trong chi tiêu, chỉ tập trung vào các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Sức mua của người dân tăng vào các ngày 23 tháng Chạp, 28, 29, 30 âm lịch. 


Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cho biết: Dịp Tết Nguyên đán, những mặt hàng thiết yếu đã được các doanh nghiệp và nhà sản xuất, kinh doanh chuẩn bị khá đầy đủ. Tại các siêu thị, hàng hóa bày bán được niêm yết giá, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng và mẫu mã, kiểu dáng bao bì không thua kém nhiều so với hàng nhập khẩu. Vào những ngày giáp Tết, lượng người tới mua sắm tại các siêu thị lớn khá đông nhưng vẫn giảm so với Tết trước.

Những ngày sát Tết Nguyên đán nhưng sức mua vẫn không tăng (ảnh chụp ngày 26/1/2014).


Phát huy kinh nghiệm và truyền thống phục vụ Tết các năm trước, các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã tổ chức nhiều hoạt động kinh doanh phong phú, thu hút người tiêu dùng như: Hội chợ Xuân ở các thành phố; phiên chợ Việt, chuyến hàng lưu động về các vùng nông thôn... Hầu hết các doanh nghiệp đều tăng thêm mạng lưới, mở thêm điểm bán hàng tại các khu dân cư, khu công nghiệp chế xuất, các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa. Tại nhiều địa phương, nhất là các thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ còn mở cửa bán hàng phục vụ người dân đến ngày cận Tết, kéo dài thời gian mở cửa bán hàng trong ngày và sau Tết lại mở cửa sớm nên góp phần hạn chế việc người dân phải mua hàng dự trữ, giảm áp lực tăng giá.


Giá cả biến động nhẹ


Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đến ngày mùng 6 Tết, các gian hàng, các siêu thị lớn ở hầu hết các tỉnh, thành phố đã kinh doanh buôn bán trở lại; sức mua tăng nhẹ so với ngày mùng 3, 4 Tết. Giá cả các nhóm hàng cơ bản ổn định, riêng nhóm thực phẩm tươi sống (thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy hải sản) tăng nhẹ vào những ngày 29, 30 và mùng 3, 4 Tết theo đúng quy luật hàng năm. Trên địa bàn cả nước, không địa phương nào xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây “sốt” giá.


Trong tuần cận Tết (từ ngày 18 - 25/1/2014), giá thóc, gạo tẻ thường và giá gạo chất lượng cao nhỉnh hơn do nhu cầu tiêu dùng tăng. Cụ thể, tại miền Bắc, giá thóc, gạo tẻ thường tăng 200 đồng/kg so với tuần trước đó. Giá thóc tẻ thường phổ biến ở mức 6.000 - 9.000 đồng/kg, giá gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 8.000 - 13.000 đồng/kg. Giá gạo chất lượng cao (tám Điện Biên, tám Hải Hậu, gạo hương Lài, gạo Bắc Hương...) tăng từ 500 - 2.000 đồng/kg, dao động từ 18.500 - 22.000 đồng/kg. Tại miền Bắc, giá thịt lợn hơi tăng 1.000 đồng/kg (ở mức 45.000 - 51.000 đồng/kg) và tăng 2.000 đồng/kg tại miền Nam (ở mức 45.000 - 50.000 đồng/kg). Giá thịt bò thăn ở miền Bắc phổ biến khoảng 250.000 - 270.000 đồng/kg, tăng 20.000 - 25.000 đồng/kg; miền Nam khoảng 245.000 - 265.000 đồng/kg, tăng 25.000 - 30.000 đồng/kg. Thịt gà ta và gà công nghiệp làm sẵn có kiểm dịch ở miền Bắc có giá 135.000- 140.000 đồng/kg, tăng 15.000- 20.000 đồng/kg; miền Nam từ 125.000 - 130.000 đồng/kg, tăng 15.000 - 18.000 đồng/kg.


Do thời tiết những ngày trước và sau Tết ấm áp, rất thuận lợi cho việc thu hoạch và vận chuyển nên giá một số loại rau, củ, quả ổn định so với ngày thường. Rau bắp cải có giá 9.000 - 11.000 đồng/kg; khoai tây 14.000 -16.000 đồng/kg; cà chua 10.000 - 12.000 đồng/kg. Riêng giá một số mặt hàng thủy hải sản như cá chép, tôm, mực ống… tăng nhẹ so với tháng trước: Cá chép 75.000 - 80.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; tôm sú 190.000 - 195.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg; cá quả 120.000 - 125.000 đồng/kg, tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg. Vào những ngày cận Tết, giá một số loại trái cây bày mâm ngũ quả như: chuối xanh, thanh long, cam canh… cũng tăng. Giá hoa tươi cũng có xu hướng tăng vào những ngày cận Tết nhưng mức tăng không nhiều.


Minh Phương

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN