Sữa đắt do chuyển giá?

Sau 1 năm bình ổn giá, giá sữa trong nước đã giảm nhẹ. Tuy nhiên, dư luận vẫn đang chờ câu trả lời từ phía cơ quan chức năng là tại sao có những thời điểm, giá nguyên liệu thế giới giảm nhưng các tờ khai hải quan, giá nhập khẩu vào Việt Nam lại không phản ánh vấn đề này?

Lúng túng xác định giá nhập khẩu

Thị trường sữa Việt Nam hiện có khoảng 80 thương hiệu với nhiều sản phẩm khác nhau. Theo Vụ Kinh tế tổng hợp (Bộ Ngoại giao), giá bán trung bình của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ dưới 6 tuổi bước 1 - 4 (tất cả các nhãn hàng) của Việt Nam là 16 USD/kg, trong khi Thái Lan là 14 USD/kg; Philippines là 12,9 USD/kg; Malaysia là 10,9 USD/kg và Indonesia 9,5 USD/kg. Việt Nam vẫn nằm trong top giá bán cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Giá sữa cao do không kiểm soát được giá nguyên liệu nhập khẩu.
Ảnh: LP



Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng: Sở dĩ có sự chênh lệch giá là do có sự khác nhau về môi trường kinh doanh, chính sánh ưu đãi, đối thủ cạnh tranh, phân khúc thị trường, đặc biệt là quy mô, mật độ, nhu cầu, tập quán tiêu dùng của khách hàng nên nhà sản xuất sẽ có những chính sách phân phối, ưu đãi giá khác nhau. Để hạn chế tình trạng này, Bộ Tài chính tiếp tục bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa từ nay đến hết năm 2016. Nếu có những nguyên nhân khách quan tác động đến giá sữa, Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm rà soát, xác định giá tối đa cho phù hợp.

Để xác minh việc chuyển giá sữa, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn để xác định, có hay không việc thao túng, chuyển giá từ nước ngoài khi nhập khẩu sữa nguyên liệu vào Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận: “Chúng tôi vẫn còn gặp một số khó khăn như: Thứ nhất, nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều nhập từ nước ngoài do các đối tác nước ngoài chỉ định nên khó khăn trong xác định yếu tố đầu vào. Thứ hai, thông tin so sánh sản phẩm sữa cùng loại tại các thị trường trong khu vực ASEAN còn hạn chế do chính sách bán hàng của các doanh nghiệp đối với các nước khác nhau. Thứ ba, đây là lần đầu tiên áp dụng giá tối đa đối với mặt hàng có nhiều chủng loại, chất lượng khác nhau dẫn đến giá cả khác nhau nên việc triển khai xác định giá tối đa khi thực hiện đến khâu bán lẻ là rất phức tạp”.

Đại diện Cục Quản lý giá cũng nghi vấn về hiện tượng thao túng, dấu hiệu chuyển giá sữa từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Vì vậy, Bộ Tài chính sẽ rà soát, thu thập thông tin về giá để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về quản lý cạnh tranh, đảm bảo việc cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, chuyên gia kinh tế TS.Nguyễn Minh Phong cho rằng: Để làm rõ nghi vấn chuyển giá phải phụ thuộc vào cơ quan thuế. Bằng nghiệp vụ cùng với việc liên kết mua thông tin để ngành thuế có sự tham chiếu, so sánh, đối chiếu cách tính giá của doanh nghiệp. Nếu đúng chuyển giá, trốn thuế thu nhập phải phạt nặng. Để kiểm soát việc tăng giá sữa, về lâu dài cần phải để cho thị trường hoàn toàn tự do hóa cạnh tranh hơn nữa, cấp phép nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, phải thành lập hoặc chỉ đạo các công ty nhà nước kinh doanh sữa, kể cả Vinamilk, cạnh tranh đối chọi và giảm giá cần thiết để tạo ra sức ép giảm giá.

Đề cập tới trách nhiệm của hải quan trước tình trạng khai báo giá sữa nhập khẩu thấp nhưng khi bán ra thị trường giá cao, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết: Theo quy định của pháp luật về thuế, hải quan, người khai hải quan tự kê khai, tự tính thuế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung kê khai. Phía Hải quan sẽ kiểm tra việc khai báo, xác định trị giá tính thuế đối với lô hàng nhập khẩu của người khai hải quan theo quy định.

Tiết giảm chi phí không hợp lý

Tuy nhiên dư luận vẫn thắc mắc về chi phí quảng cáo chiếm đến 20%, thậm chí 30% giá thành sản phẩm sữa nên sau khi giảm chi phí quảng cáo, giá sữa giảm từ 0 - 4% là quá ít. Phía Cục Quản lý giá cho rằng: Theo kết quả thanh tra năm 2014 tại 5 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, chi phí quảng cáo đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ khoảng 3,93 - 21% so với giá thành, tùy từng dòng sản phẩm.

Khi thực hiện áp dụng biện pháp giá tối đa (từ tháng 6/2014) đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá bán lẻ sữa đã giảm 0,1 - 34%. Tiếp theo đó, tháng 3/2015, thực hiện theo quy định về các dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi bị cấm quảng cáo, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp loại trừ hết khoản chi phí quảng cáo, khuyến mại không được tính vào giá thành.

“Vì thế, mức giảm giá 0,4 - 4% của sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi là lần giảm tiếp theo (lần 2) sau khi đã tiết giảm khoản chi phí quảng cáo, khuyến mại”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định.



Minh Phương
Bình ổn giá sữa, hiệu quả nhưng chưa bền vững
Bình ổn giá sữa, hiệu quả nhưng chưa bền vững

Để quản lý giá sữa trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục áp giá trần từ ngày 1/6/2015 đến hết năm 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN