Còn hơn 1 tháng nữa, việc áp trần giá sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ hết hiệu lực sau gần 1 năm áp dụng. Tuy nhiên giá sữa vẫn ở mức cao.
Giá đứng ở mức cao Giá sữa ở Việt Nam luôn đứng ở mức cao. Ảnh minh họa |
Tính đến nay, cơ quan quản lý đã công bố giá tối đa và giá đăng ký của hơn 600 dòng sản phẩm sữa. Mức giá bán lẻ trên thị trường sau khi áp dụng giá trần theo Bộ Tài chính đã giảm từ 0,1 - 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng: Giá sữa trong nước vẫn đứng ở mức cao dù giá nguyên liệu thế giới đã giảm trong vòng 2 - 3 tháng qua.
Theo khảo sát của phóng viên báo Tin Tức, hiện nay tại một số cửa hàng ở Tô Hiệu (Cầu Giấy), sữa Enfamil A+1 Brain Plus hộp 900g được bán với giá 498.000 đồng/hộp. Theo quy định của Bộ Tài chính, giá trần bán buôn sản phẩm này được quy định không quá 381.000 đồng/hộp và giá bán lẻ của sản phẩm này đáng lẽ chỉ ở mức 438.000 đồng/hộp, thay vì 498.000 đồng/hộp. Bởi, giá bán lẻ tối đa được xác định bằng giá bán buôn tối đa của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, cộng với các chi phí khác nhưng không quá 15% giá bán buôn.
Tương tự, sữa Enfamilk A+2 hộp 900g có giá bán lẻ không quá 417.000 đồng/hộp, nhưng cửa hàng bán với giá 473.000 đồng/hộp, cao hơn quy định 56.000 đồng/hộp. Còn tại phố Trần Xuân Soạn, giá bán lẻ cùng loại Enfamil A+1 Brain Plus dao động ở mức từ 475.000 - 503.000 đồng/hộp 900g.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, chị Nguyễn Thị Diễm Tuyết (Mai Dịch, Cầu Giấy) cho biết: “Con tôi luôn ăn sữa bột Enfamil từ khi mới sinh do tôi bị mất sữa nên chi phí mua sữa rất tốn kém. Chúng tôi cũng không rõ lắm về giá trần hay giá bán lẻ tối đa. Cửa hàng bán giá bao nhiêu thì chúng tôi mua bấy nhiêu, không mua không được. Có khi phát hiện cùng một loại sữa mà cửa hàng này bán đắt hơn cửa hàng kia thì chúng tôi cũng chuyển sang mua chỗ rẻ hơn, nhưng cũng chỉ bớt được một, hai chục nghìn”.
Nên nới lỏng hạn ngạchCó một nghịch lý là cùng một loại sữa, cùng trọng lượng, cùng tiêu chuẩn mà giá bán ở các nước quanh khu vực lại thấp hơn nhiều so với giá bán tại Việt Nam. Theo Bộ Tài chính, giá sữa nguyên liệu trên thế giới trong khoảng 2 - 3 tháng trở lại đây giảm rất sâu nhưng giá bán lẻ trong nước vẫn chưa giảm. Nếu đến tháng 5/2015, giá sữa nguyên liệu đứng ở mức thấp mà giá sữa bán lẻ trong nước vẫn không giảm thì Bộ sẽ không loại trừ các giải pháp hành chính như: Tiếp tục áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi hay xem xét lại hạn ngạch nhập khẩu để đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.
Theo các chuyên gia thương mại, các chi phí quảng cáo, tiếp thị luôn là cái cớ để doanh nghiệp sữa lý giải điều chỉnh tăng giá bán dù diễn biến giá nguyên liệu trên thị trường thế giới có như thế nào. Các hãng sữa nước ngoài chi phí cho quảng cáo, bán hàng tới trên 30% chi phí kinh doanh, thậm chí có doanh nghiệp lên tới 60 - 70%.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) vừa có văn bản nhắc nhở, đôn thúc các sở tài chính địa phương thanh tra, kiểm soát giá. Đặc biệt, đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi, các sở phải yêu cầu các doanh nghiệp loại chi phí quảng cáo trong cơ cấu giá và giảm giá tương ứng với mức chi phí quảng cáo đã loại trừ; đồng thời kê khai giá lại trước ngày 15/4.
Giá sữa dành cho trẻ em luôn tăng khiến cơ quan chức năng phải can thiệp các biện pháp hành chính. Một số chuyên gia cho rằng, không nên hành chính hóa giá sữa mà phải thúc đẩy sản xuất trong nước và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. “Muốn giá sữa giảm chúng ta cần một bài toán toàn diện chứ không phải chỉ là chuyện chi phí quảng cáo trong giá sữa.
Chi phí quảng cáo không là vấn đề gì với các hãng sữa và giá sữa hiện nay. Những bất cập về thuế, phí với sữa đang không kém gì chi phí quảng cáo nhưng chưa có ai giải quyết một cách tổng thể. Sữa bị làm giá nhưng chúng ta chỉ nói mà chưa ai quản lý. Các giải pháp với giá sữa hiện nay vẫn đang quá vụn vặt, khó mà kéo được giá sữa giảm xuống”, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận xét.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cùng quan điểm cho rằng, mọi can thiệp bằng giải pháp hành chính chỉ có tác động chừng mực, chủ yếu giải quyết về mặt tâm lý. Quan trọng là chúng ta phải tạo ra được sự cạnh tranh thực sự trên thị trường sữa hiện nay. “Chúng ta nên sớm áp dụng lại hạn ngạch nhập khẩu sữa theo hướng nới lỏng để sữa được nhập tự do hơn, nhiều hơn giúp cho thị trường cạnh tranh hơn về giá. Chúng ta chỉ quản lý chất lượng sữa cho người dân”, ông Phong nhấn mạnh.
Minh Phương - Thu Hồng