S&P cảnh báo các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương có thể thiệt hại hơn 200 tỷ USD

Ngày 6/3, hãng đánh giá tín nhiệm S&P cảnh báo dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể khiến các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương thiệt hại hơn 200 tỷ USD trong năm nay, đồng thời dự báo khu vực này sẽ có mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong một thập kỷ.

Chú thích ảnh
Container hàng hóa được xếp tại cảng ở Giang Tô, Trung Quốc, ngày 30/10/2019. Ảnh: THX/ TTXVN

S&P dự báo trong viễn cảnh tồi tệ nhất, Trung Quốc có thể ghi nhận tăng trưởng dưới 3%, trong khi Nhật Bản, Australia và đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) có thể trải qua suy thoái. Nỗi lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến thị trường thế giới chao đảo do các nhà đầu tư lo ngại về tác động kinh tế. S&P dự báo tăng trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ ở mức 4% trong năm nay sau khi các cú sốc về cung cầu có nguy cơ khiến các nền kinh tế khu vực thiệt hại tới 211 tỷ USD. Con số này thấp hơn so với mức tăng trưởng 4,8% trong tháng 12/2019 và là mức thấp nhất kể từ kinh tế khu vực giảm tốc vào năm 2008 do cuộc khủng hoảng tài chính.

Báo cáo của S&P nhấn mạnh dịch bệnh đã "phủ bóng đen" lên triển vọng kinh tế của châu Á-Thái Bình Dương, dẫn đến những cú sốc về cung cầu nội địa tại Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như làm suy yếu nhu cầu từ các thị trường bên ngoài như Mỹ và châu Âu. Theo báo cáo, các nền kinh tế đang chịu tác động kép của suy yếu nhu cầu, do người tiêu dùng ở nhà vì lo sợ nhiễm bệnh, lẫn nguồn cung bị sụt giảm, khi các ngành công nghiệp bị tác động do nhiều nhà máy, doanh nghiệp phải đóng cửa.

S&P dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 4,8% trong năm nay và là mức thấp nhất trong 3 thập kỷ. Trong tình huống xấu nhất như nguy cơ tái nhiễm bệnh khi người dân quay lại làm việc và việc tái áp đặt hạn chế đối với các hoạt động, S&P nhận định con số này có thể giảm xuống chỉ còn 2,9%. Sau khi ghi nhận đợt suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2008, kinh tế đặc khu Hong Kong bị cho là sẽ suy thoái mạnh hơn nữa. Đặc khu Hong Kong, cùng với Singapore, Thái Lan sẽ là những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nhất, khi ngành du lịch vốn đóng góp trung bình 10% cho tăng trưởng kinh tế, bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh.

Bên cạnh đó, S&P cũng đưa ra những dự báo lạc quan, khi cho rằng nếu quý II cho thấy những dấu hiệu dịch bệnh được kiểm soát, thì kinh tế sẽ phục hồi từ quý III. Theo S&P, dịch bệnh sẽ không tác động lâu dài đến lực lượng lao động, chứng khoán và năng suất, do đó các nền kinh tế trong khu vực cần tận dụng nhiều lao động và tạo ra nhiều sản phẩm có thể cho đến cuối năm 2021, giống như lúc dịch bệnh chưa bùng phát.

Cùng ngày, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo Trung Quốc sẽ thiệt hại 103 tỷ USD, tương đương 0,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi thiệt hại do dịch bệnh đối với các nền kinh tế đang phát triển khác là 22 tỷ USD, tương đương 0,2% GDP. Ngân hàng này nhấn mạnh mức độ thiệt hại sẽ còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đặng Ánh (TTXVN)
Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19: ECB lâm vào tình thế khó khăn
Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19: ECB lâm vào tình thế khó khăn

Những động thái mạnh mẽ của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và một số ngân hàng trung ương các nước khác trước sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 đã làm gia tăng áp lực đối với Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde, song giới phân tích cảnh báo rằng bà Lagarde có rất ít khả năng để xoay sở.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN