Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160 km. Dự án gồm 3 dự án thành phần: đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Quy mô hoàn chỉnh của dự án gồm 6 làn xe với tổng mức đầu tư khoảng 39.650 tỷ đồng. Toàn tuyến dự án này đi qua 29 xã, thị trấn thuộc 5 huyện của tỉnh gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân
Đến ngày 15/5/2020, tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đạt 100% hồ sơ; chi trả tiền bồi thường cho 2.418/2.683 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 90,1%; bàn giao cho các huyện quản lý 1.096/1.221 ha diện tích đất sạch. Tổng vốn đã giải ngân đến nay đạt 1.383 tỷ đồng/2.018 tỷ đồng.
Trên địa bàn tỉnh phải xây dựng 5 khu tái định cư để đáp ứng nhu cầu tái định cư của 259 hộ. Đến nay đã hoàn thành xây dựng 2 khu tái định cư tại huyện Tuy Phong và huyện Bắc Bình; đã thi công cơ bản hoàn thành 2 khu tái định cư tại huyện Hàm Thuận Bắc và huyện Hàm Tân, đang triển khai bổ sung các hạng mục phụ trợ; còn 1 khu tái định cư tại huyện Hàm Thuận Nam đang thi công.
Về công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, cấp nước, viễn thông), đến nay đã hoàn thành việc phê duyệt hồ sơ thiết kế di dời tuyến ống nước, cáp viễn thông, hiện đang chuẩn bị lựa chọn đơn vị thi công xây dựng. Đối với việc di dời đường dây trung, hạ thế, đường dây 110kV, đã hoàn thành công tác lập hồ sơ thiết kế di dời, hiện đã trình Sở Công Thương thẩm định.
Để hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt và sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công dự án, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các lãnh đạo các huyện có đường cao tốc đi qua tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công trình này để vận động nhân dân sớm nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Cơ bản hoàn thành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho tất cả các hộ dân trước ngày 31/5/2020. Tiến độ bàn giao hồ sơ, xác nhận hoàn thành công tác thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng dự án cho các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 31/5/2020.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Sở Công Thương khẩn trương làm việc với Công ty Truyền tải điện 3, Tổng công ty Điện lực Miền Nam, Điện lực Bình Thuận, các đơn vị tư vấn khảo sát, thiết kế... để hướng dẫn, tạo điều kiện trong việc thống nhất giải pháp kỹ thuật, lập, thẩm định các hồ sơ di dời, cải tạo đường dây, phương án tổ chức thi công tại các vị trí giao chéo giữa đường cao tốc với đường điện (cao thế 500kV, 220kV, 110 kV, trung hạ thế và trạm biến áp).