Ông Nguyễn Linh Lợi, Phó giám đốc giám sát hiện trường dự án (Ban Quản lý dự án 6 - Đơn vị đại diện chủ đầu tư - Bộ GTVT) cho biết, dự án thi công từ tháng 7/2021, dự kiến hoàn thành tháng 7/2023, chia làm 4 gói thầu xây lắp XL01, XL02, XL03, XL04. Đến hết tháng 1/2022, tiến độ tổng thể đạt khoảng 15 - 16%. Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, mặt bằng sạch và nguồn đất đắp đáp ứng nhu cầu, hiện nay dự án đang tập trung hàng trăm máy xúc đào, máy ủi, xe lu rung các loại, thiết bị khoan cọc nhồi... trải đều tại các gói thầu, tổng lực thi công để tăng tốc tiến độ, đảo bảo mục tiêu Chính phủ và Bộ GTVT đề ra.
Video toàn cảnh thi công sôi động trên toàn tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu:
Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km, đi qua hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đây là dự án được chuyển đổi từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công và là khớp nối quan trọng trên tuyến cao tốc qua miền Trung. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 7.293 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị 4.305,9 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 1.778,1 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 553 tỷ đồng; chi phí dự phòng 656 tỷ đồng.
Trên công trường dự án, phóng viên ghi nhận 40 mũi thi công của các nhà thầu đang tập trung nhân lực đắp đất nền đường, đào cửa hầm, thi công cọc khoan nhồi, cấu kiện đúc sẵn, tập kết vật liệu, xử lý đất yếu… Theo đại diện Ban Quản lý dự án 6, các đơn vị thi công quán triệt chủ trương có mặt bằng "sạch" đến đâu tăng tốc đến đó, sẵn sàng các phương án bù tiến độ, dồn lực tăng ca, tăng phương tiện, thiết bị, nhân lực thi công xuyên Tết. Trong quá trình thi công, riêng tại gói thầu XL03 triển khai song song với tuyến đường tỉnh lộ, các nhà thầu đảm bảo lắp đặt đầy đủ biển báo hiệu đường bộ, cọc tiêu, rào chắn, đèn tín hiệu... để vừa thi công vừa đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tình trạng ô nhiễm bụi, ảnh hưởng đến người dân địa phương.
Vướng mắc nhất hiện này của dự án là công tác giải phóng mặt bằng, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đường điện và nguồn đất đắp phục vụ cao điểm xử lý nền đất yếu và gia tải nền đường. Theo thống kê, đoạn tuyến cao tốc qua tỉnh Nghệ An hiện đã giải phóng mặt bằng đươc xấp xỉ 41,38/43,47km (đạt 95,1%); đoạn tuyến qua tỉnh Thanh Hóa đã giải phóng mặt bằng 6,3/6,53 km (đạt 97%). Những vị trí cần giải phóng mặt bằng không lớn, nhưng chủ yếu nằm trên đường găng phục vụ thi công, nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Ông Nguyễn Linh Lợi chia sẻ thêm, tại gói thầu XL04 dài 10,4 km, không khí thi công đang khẩn trương, vì trên tuyến có đến 7,8 km nền đất yếu đang được các nhà thầu huy động máy móc xử lý. Nhà thầu đã tập trung 6 máy đóng giếng cát và 1 máy cắm bấc để xử lý đất yếu, dự kiến trong quý I/2022 sẽ xử lý xong đất yếu để tăng tốc đắp đất gia tải. Tại gói thầu XL03 đang thi công 4/7 cầu, trong đó 2 cầu cơ bản xong thân trụ, 2 cầu đang khoan cọc nhồi vượt tiến độ, dự kiến lao lắp dầm cầu trong dịp Tết Nguyên đán...
“Để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, các gói thầu đều được các đơn vị tư vấn, giám sát chặt chẽ, báo cáo kiểm tra hàng tuần, hàng tháng với chủ đầu tư để so sánh, đánh giá và kịp thời khắc phục việc hụt tiến độ; đồng thời, yêu cầu các nhà thầu cam kết trách nhiệm hoàn thành", ông Nguyễn Linh Lợi cho biết.
Trong giai đoạn phân kỳ, cao tốc thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu được thi công xây dựng với quy mô 4 làn xe, nền đường 17 m, đạt vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ nâng lên 6 làn xe, nền đường 32,25 m, đạt vận tốc thiết kế từ 100 - 120 km/giờ.