Minh bạch suất đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có báo cáo Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, trong đó tập trung các vấn đề minh bạch suất đầu tư các dự án thành phần.

Cơ sở tính toán mức đầu tư

Theo nội dung Tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 146.990 tỷ đồng. Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư khoảng hơn 19.000 tỷ đồng.

Căn cứ Luật Xây dựng (Điều 134) quy định, trường hợp phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng thì việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư theo thiết kế sơ bộ là cơ sở để ước tính chi phí đầu tư xây dựng. Pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng cũng quy định, sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng được ước tính trên cơ sở quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ theo phương án thiết kế sơ bộ của dự án, suất vốn đầu tư xây dựng hoặc dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, cấp công trình, quy mô, năng lực phục vụ… trên cơ sở đó điều chỉnh quy đổi về mặt bằng giá thị trường phù hợp với địa điểm xây dựng, bổ sung những chi phí cần thiết khác của dự án.

Chú thích ảnh
Minh bạch suất đầu tư các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam.

"Căn cứ phương án thiết kế sơ bộ, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án đã được tính toán trên cơ sở suất vốn đầu tư xây dựng, dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, cấp công trình, quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ, tính chất dự án đã thực hiện (đặc biệt là các dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đang triển khai)", Bộ GTVT thông tin.

Cụ thể, theo báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt giai đoạn 2017 - 2020, các dự án thành phần có suất đầu tư bình quân 194 tỷ đồng/km, còn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn 2021 - 2025 có suất đầu tư bình quân 253 tỷ đồng/km. Tùy thuộc vào từng giai đoạn, quy định về mức độ chính xác đối với tổng mức đầu tư cũng khác nhau. Trong bước nghiên cứu tiền khả thi, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ GTVT khảo sát chi tiết về địa hình, địa chất, thủy văn, điều kiện cung cấp vật liệu xây dựng… làm cơ sở để xây dựng tổng mức đầu tư bảo đảm chặt chẽ theo quy định của pháp luật và làm cơ sở để bố trí vốn đầu tư.

Dự án dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hành lang vận tải trục Bắc Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước và là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước. Trên hành lang vận tải này, cao tốc Bắc Nam phía Đông theo quy hoạch dài 2.063 km, đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư.

Theo Tờ trình, giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư 729 km trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập. 27 km còn lại gồm: đoạn Hòa Liên - Túy Loan triển khai theo dự án riêng và cầu Cần Thơ 2 đầu tư sau năm 2025. Tuyến cao tốc Bắc Nam có quy mô 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn quy mô 8 - 10 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe.

Thời gian chuẩn dự án từ năm 2021 - 2022; GPMB, tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công năm 2023, áp dụng các công nghệ mới, giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025. Với tiến độ đề ra, trường hợp không phát sinh các tình huống phức tạp đến cuối năm 2025 có thể thông xe kỹ thuật toàn bộ các dự án thành phần và đưa vào khai thác một số đoạn tuyến, các đoạn tuyến phức tạp về kỹ thuật (các công trình cầu lớn, hầm lớn, xử lý đất yếu…) sẽ hoàn thành đưa vào khai thác năm 2026.

Về hình thức đầu tư, với vai trò là trục xương sống, dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, để triển khai thành công và sớm hoàn thành theo Kết luận số 18-KL/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ kiến nghị triển khai theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn Nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, Quốc hội đã bố trí 47.169 tỷ đồng, phần còn thiếu (khoảng 72.497 tỷ đồng), Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước NSNN đã bố trí cho ngành GTVT trong giai đoạn 2021 - 2025. Chính phủ cũng đã kiến nghị giao Bộ GTVT là đầu mối tổ chức thực hiện đầu tư dự án.

Đăng Sơn/Báo Tin tức
Cận cảnh thi công cầu vượt sông Chu dài nhất Thanh Hóa trên cao tốc Bắc Nam
Cận cảnh thi công cầu vượt sông Chu dài nhất Thanh Hóa trên cao tốc Bắc Nam

Cầu Núi Đọ dài 1,9 km bắc qua sông Chu, bờ Bắc tại xã Thiệu Hợp, bờ Nam tại xã Tân Châu (huyện Thiệu Hóa) là cầu vượt sông lớn nhất tỉnh Thanh Hóa năm trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020. Theo đại diện Ban quản lý dự án (BQLDA) Thăng Long (đại diện chủ đầu tư dự án - Bộ GTVT), dự án khởi công từ tháng 1/2021, dự kiến hoàn thành tháng 12/2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN