12 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công
Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đề xuất đầu tư 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng (thuộc Hà Tĩnh), Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ (thuộc Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị), Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh (thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang (thuộc Phú Yên, Khánh Hòa), Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau (chạy qua các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau).
Cụ thể, tuyến cao tốc dài 729 km, quy mô 4 làn xe, vận hành độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công. Trên cơ sở tiến độ triển khai, sơ bộ nhu cầu vốn và giải ngân trong giai đoạn này, Chính phủ kiến nghị bố trí vốn dự án khoảng 139.640 tỷ đồng (khoảng 95% tổng mức đầu tư), phần còn lại khoảng 7.350 tỷ đồng (khoảng 5% tổng mức đầu tư) chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030.
Tại Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021, dự án được dự kiến bố trí khoảng 47.169 tỷ đồng. Như vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, dự án sẽ cần bổ sung khoảng 92.471 tỷ đồng. Đối với phần vốn này, Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và xã hội cũng được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp chuyên đề Quốc hội khóa XV tháng 12/2021.
Đại diện các nhà đầu tư đang thực hiện cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2021 đều đồng tình cho rằng, tại thời điểm này, tiềm lực tài chính của hầu hết doanh nghiệp hạ tầng giao thông đều đã cạn kiệt, việc tiếp cận vốn tín dụng khó khăn, do đó, việc Chính phủ đề xuất đầu tư toàn bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 bằng vốn ngân sách là hợp lý. Sử dụng vốn đầu tư công không chỉ giúp tiết giảm chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai, mà còn giúp cả trăm nghìn tỷ đồng vốn được đưa vào vận hành, tạo hiệu ứng lan tỏa cho nền kinh tế.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, sau khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội thông qua, việc tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi có thể kết thúc vào tháng 9/2022, tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến (dự kiến kéo dài 17 tháng); lựa chọn nhà thầu từ tháng 3/2023 đến tháng 6/2023; tổ chức thi công từ tháng 6/2023 đến tháng 12/2025.
Bộ GTVT làm đầu mối thực hiện
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 8688/VPCP-CN gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc thực hiện ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Qua tìm hiểu trước đó, nhiều ý kiến của các địa phương đề xuất Chính phủ giao triển khai dự án này cho địa phương có dự án đi qua. Tuy nhiên, trên thực tế, dự án đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển đất nước trong giai đoạn sắp tới. Bên cạnh đó, việc giao cho các địa phương sẽ không phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công; không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, cao tốc là công trình cấp đặc biệt với tiêu chuẩn cao đòi hỏi năng lực quản lý và triển khai dự án ở trình độ chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm và đáp ứng yêu cầu dự án quan trọng quốc gia với hệ thống tiêu chuẩn thống nhất, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông có yêu cầu cao trong việc khai thác đồng bộ cả tuyến, trong khi các địa phương hiện nay đang phải tập trung cho công tác phòng chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế và giải ngân vốn đầu tư công của địa phương. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giao Bộ GTVT là đầu mối duy nhất tổ chức thực hiện đầu tư dự án.
Theo PGS.TS. Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), Chính phủ có thể phân cấp, phân quyền cho các địa phương đóng vai trò là cơ quan Nhà nước có quyền tại các dự án đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư qua địa bàn. Nhưng, việc quản lý chuyên môn, kỹ thuật liên quan đến đường cao tốc dứt khoát phải do Bộ GTVT chủ trì, nhằm kiểm soát toàn bộ công tác thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện khai thác vận hành…
Còn theo rà soát của Hội đồng Thẩm định Nhà nước, nếu giao các tỉnh, thành phố có dự án đi qua thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương để triển khai đầu tư các dự án khó đảm bảo sự đồng bộ đấu nối các dự án thành phần giữa các địa phương; khó khăn trong phân đoạn dự án, thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và thực hiện đầu tư theo Luật Đầu tư công, khi có tới 6 dự án nằm trên địa bàn 2 tỉnh trở lên.