Gỡ ‘tắc nghẽn” vật liệu thi công cao tốc Bắc Nam

Dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc Nam phía Đông đang đứng trước nguy cơ hụt tiến độ vì thiếu đất đắp san nền. Nếu không sớm được tháo gỡ, mục tiêu cán đích mà Chính phủ đặt ra đối với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ khó hoàn thành.

Thiếu 23 triệu m3 đất đắp đường

Bộ GTVT đang thi công đồng loạt 10/11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ (QL)45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, cầu Mỹ Thuận 2. Còn lại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo đầu tư theo hình thức đối tác công tư dự kiến sẽ khởi công trong tháng này. Tuy nhiên, các dự án đều đang đứng trước nguy cơ hụt tiến độ do thiếu trầm trọng nguồn đất đắp.

Chú thích ảnh
Thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, bên cạnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, khiến giá vật liệu xây dựng tăng, thiếu hụt công nhân, nguồn cung đất đắp nền đường các dự án còn thiếu khoảng 23 triệu m3. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa bàn giao hết mặt bằng, vì chậm trễ di dời hạ tầng kỹ thuật, chậm xây dựng khu tái định cư và đền bù GPMB. Từ giữa tháng 6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60/CP áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho công trình, nhưng đến nay, các dự án vẫn khó tiếp cận các mỏ đất ở địa phương.

Theo ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn - QL45, nhu cầu đất đắp của dự án cần khoảng 5,2 triệu m3, khoảng 1,8 triệu m3 cát. Tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận khai thác 15 mỏ đất, 20 mỏ cát có đủ trữ lượng đáp ứng nhu cầu, nhưng công suất khai thác của các mỏ quá thấp. Đơn cử, mỏ đất Đồi Ao (huyện Hà Trung) có trữ lượng khai thác cấp phép hơn 660.000 m3, công suất 180.000 m3/năm, nhưng đến nay vẫn chưa thể khai thác do vướng GPMB. Tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo tiến độ khai thác trong tháng 9.

Tường tự, ông Phạm Văn Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (BQLDA), đại diện chủ đầu tư dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu cho biết, sau 2 tháng thi công, nhu cầu về vật liệu cần khoảng 1,1 triệu m3 cát, 0,8 triệu m3 đá, 8,5 triệu m3 đất đắp. Các mỏ đất đang khai thác tại địa phương có trữ lượng hơn 10 triệu m3, nhưng công suất khai thác hàng năm chỉ đạt khoảng 0,9 triệu m3/năm, trong khi những mỏ mới đã hoàn thành đấu giá lại chưa được cấp phép, dẫn đến nghịch lý: Mỏ mới gần công trường không được lấy, mỏ lấy được cách xa công trường tới 40 – 50 km, làm đội giá vận chuyển và công trình.

Tại phía Nam, theo ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc BQLDA7, dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua tỉnh Bình Thuận có nhu cầu đất đắp khoảng 9,2 triệu m3, hiện còn thiếu gần 6 triệu m3. Việc áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 60 thời gian qua mới chỉ giảm được thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ, các thủ tục thăm dò, phê duyệt trữ lượng, đánh giá tác động môi trường, GPMB, cấp quyền khai thác... không có gì thay đổi, bởi vẫn phải tuân thủ theo quy định của Luật Khoáng sản...

Về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho hay, để tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu, Bộ GTVT và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ điều chỉnh nội dung Nghị quyết 60 theo hướng bỏ giới hạn nâng công suất khai thác không quá 50% trong giấy phép, vì nội dung này đang làm hạn chế năng lực khai thác của các mỏ đất; bỏ quy định “không tăng trữ lượng đã cấp phép”, do các mỏ đất trong giấy phép khai thác quy định trữ lượng nhỏ hơn nhiều so với trữ lượng.

Ngoài ra, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép UBND các tỉnh, thành được cấp phép khai thác ngay đối với trường hợp cấp phép mới các mỏ vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án, gồm cả mỏ chưa hoặc đã cấp phép thăm dò.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long: Không gỡ vướng vật liệu, chắc chắc tiến độ công trình bị ảnh hưởng: Vấn đề thiếu vật liệu phục vụ thi công cao tốc Bắc Nam đã xuất hiện từ lâu, nhưng đến hiện tại vẫn chưa có phương án tháo gỡ triệt để. Đây là điều đáng lo ngại. Nếu Bộ GTVT và các địa phương không sớm giải quyết dứt điểm vấn đề này thì chắc chắn tiến độ dự án sẽ bị ảnh hưởng. Cao tốc Bắc Nam có vai trò đặc biệt quan trọng và khác biệt so với tất cả các dự án đường giao thông khác và là dự án trọng điểm quốc gia, dự án mẫu của ngành GTVT. Do đó, ngoài chất lượng công trình thì tiến độ dự án cũng phải được đảm bảo.

Không lùi tiến độ

Tại cuộc họp trực tuyến về tình hình thực hiện cao tốc này mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định: Các bộ, ngành, địa phương, nhà thầu, đơn vị thi công thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ GPMB, đảm bảo đủ vật liệu xây dựng, không chấp nhận lùi tiến độ đã cam kết.

Chú thích ảnh
Thi công đường dẫn cầu Mỹ Thuận 2.

Đại diện nhà thầu Vinaconex thi công cao tốc Bắc Nam cho biết, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, giá thép tăng đột biến từ 35 - 50%, giá cát, đá tăng từ 20 - 30%, giá xi măng tăng khoảng 10 - 15%... kéo theo giá các gói thầu tăng lên khoảng 20 - 30%. Thêm vào đó, các gói thầu cao tốc Bắc Nam đang áp dụng hình thức điều chỉnh giá theo chỉ số giá tại các địa phương, nhưng thực tế, chỉ số giá của các địa phương ban hành không phù hợp với quy mô cao tốc. Do đó, nhà thầu kiến nghị Chính phủ xem xét nghiên cứu xây dựng chỉ số giá riêng cho cao tốc Bắc Nam.

Chỉ huy trưởng công trường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ông Lê Anh Tuấn: Thiếu đất đắp là không có đường: Trong quá trình thi công đường, giai đoạn đầu bắt buộc phải có đất đắp nền, không có đất đắp là không có đường. Từ khi lập hồ sơ, các cơ quan liên quan và địa phương đã quy hoạch các mỏ vật liệu phục vụ dự án. Song, nghịch lý là khi dự án đã triển khai được một thời gian, thì các mỏ tại địa phương vẫn chưa được cấp phép. Để đảm bảo tiến độ công trình, nhà thầu đã phải mua và vận chuyển nguồn đất đắp từ địa phương khác, làm phát sinh nhiều chi phí và đội giá công trình. Thực tế nayfcaanf sớm được tháo gỡ triệt để.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, sau 3 tháng thực hiện Nghị quyết 60, đến nay có 24 mỏ được được cấp phép mới, 8 mỏ cấp phép nâng công suất khai thác, 36 mỏ được cấp phép thăm dò. Để đảm bảo nguồn vật liệu cho cao tốc, cần tiếp tục nâng công suất khai thác các mỏ đất theo nhu cầu từng dự án, không giới hạn về công suất khai thác. Riêng về giá vật liệu xây dựng, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, 2 tháng qua, giá nhiều loại vật liệu xây dựng đã giảm.

Nhấn mạnh vấn đề không lùi tiến độ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, nhà thầu phải đảm bảo đủ vật liệu cho công trình; xác định rõ trách nhiệm để có giải pháp quyết liệt, tháo gỡ dứt điểm vướng mắc. Bộ GTVT phải tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, yêu cầu nhà thầu cam kết cung ứng đủ vật liệu theo hồ sơ dự thầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết 60, thành lập các đoàn giám sát thi công, tạo điều kiện tối đa cho các nhà thầu.

“Các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao trách nhiệm, tập trung hoàn thành, bàn giao toàn bộ mặt bằng theo đúng cam kết, chậm nhất đến ngày 30/10/2021; đồng thời, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ bàn giao mặt bằng; khẩn trương rút ngắn tối đa thời gian cấp phép khai thác mỏ vật liệu phục vụ thi công công trình”, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định.
Vân Sơn/Báo Tin tức
Cao tốc Bắc Nam đã có mặt bằng thi công đạt trên 98%
Cao tốc Bắc Nam đã có mặt bằng thi công đạt trên 98%

Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT - Bộ GTVT), đến nay, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được 13 địa phương có dự án đi qua bàn giao mặt bằng được hơn 641 km (đạt 98,2).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN