Điểm mặt các dự án chậm tiến độ
Theo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), đến tháng 4/2021, Bộ GTVT đã giải ngân được 6.821 tỷ đồng trên tổng số 42.996 tỷ đồng, đạt 16% kế hoạch năm. Kết quả giải ngân 4 tháng đầu mặc dù cao hơn cùng kỳ năm 2020, thể hiện hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp giao thông, nhưng giá trị giải ngân phần lớn là tạm ứng hợp đồng, khối lượng thực tế thi công chưa nhiều.
Ngoài Ban Quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long), PMU Mỹ Thuận có kết quả giải ngân cao nhất Bộ GTVT, khi đã giải ngân lần lượt được 4.099/9.710 tỷ đồng (tập trung tại dự án cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây đảm bảo tiến độ), đạt 42,2% kế hoạch giao và 945/3.072 tỷ đồng, đạt 30,8% kế hoạch giao (tập trung tại các dự án tuyến nối Quốc lộ (QL) 91, tuyến tránh Long Xuyên, cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, cải tạo đường băng sân bay Tân Sơn Nhất đảm bảo tiến độ), thì các PMU khác đều có kết quả giải ngân thấp hơn bình quân chung của ngành GTVT hoặc chậm tiến độ.
Đơn cử, PMU Công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn Đắk Lắk được giao 250 tỷ đồng, kế hoạch giải ngân đăng ký hết tháng 4/2021 là 178,6 tỷ đồng, nhưng đến nay mới đạt 15,4 tỷ đồng, đạt 6,2% kế hoạch hay các dự án như: Cầu Mỹ Thuận 2, nâng cấp QL53, nâng cấp QL24, nâng cấp QL25, cải tạo QL27 đoạn tránh Liên Khương... đều chậm tiến độ.
Đáng chú ý là dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn-QL45 đến nay vẫn còn nhiều vị trí vướng mắc về mặt bằng, địa phương chưa bàn giao cho nhà thầu thi công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ. Dự án hiện vẫn còn vướng khoảng 2 km mặt bằng chưa bàn giao.
Các dự án cao tốc khác như 2 dự án thành phần mới chuyển đổi sang đầu tư công (QL45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu) đang tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp để chậm nhất khởi công trong tháng 6/2021; 3 dự án thành phần triển khai theo hình thức PPP (Diễn Châu-Bãi Vọt, Nha Trang-Cam Lâm, Cam Lâm-Vĩnh Hảo vẫn đang trong giai đoạn đàm phán hợp đồng, dự kiến khởi công trong quý II/2021.
"Tối hậu thư"
Trước thực tế trên, tại cuộc họp kiểm đếm tiến độ các dự án cấp bách mới đây của Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, không chấp nhận tình trạng dự án chậm tiến độ và sẽ có giải pháp mạnh để chấn chỉnh các doanh nghiệp. Đặc biệt là một số dự án do địa phương làm chủ đầu tư đang triển khai quá "ì ạch", nếu không sớm có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn, Bộ sẽ không giao thêm bất cứ dự án nào trong thời gian tới.
“PMU nào làm chậm cần trả vốn sớm, phải điều chuyển ngay, không để tình trạng cứ ôm vốn rồi chậm giải ngân. Dự án chậm tiến độ, giải ngân kém liên quan trực tiếp đến năng lực lãnh đạo của các PMU và phải xử lý ngay trách nhiệm của lãnh đạo PMU đó", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Riêng đối với các dự án cao tốc Bắc Nam, "Tư lệnh ngành" giao thông yêu cầu các cơ quan quản lý của Bộ khẩn trương làm việc với các chủ đầu tư, PMU rà soát, điều chỉnh lại nguồn vốn của các dự án, đảm bảo bám sát theo kế hoạch giải ngân của ngành. Nhất là PMU đường Hồ Chí Minh và Sở GTVT Ninh Bình khẩn trương chỉ đạo, gắn trách nhiệm các nhà thầu 2 dự án cao tốc chậm tiến độ là Cam Lộ-La Sơn và Cao Bồ-Mai Sơn.
Đối với 3 dự án khởi công đồng loạt từ ngày 30/9/2020: Mai Sơn-QL45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây đang vướng mắc nguồn vật liệu thi công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo lãnh đạo các PMU trực tiếp phối hợp với chính quyền địa phương đến các mỏ vật liệu tháo gỡ các giải pháp về giá, công suất khai thác, đường công vụ vận chuyển... để đảm bảo hoàn tiến độ thi công.
"Nhu cầu sử dụng vật liệu thi công cao tốc Bắc Nam đang cần khoảng 60,7 triệu m3 đất, 21,5 triệu m3 đá và 10,8 triệu m3 cát. Tuy nhiên, thời gian qua, các mỏ tại địa phương không đáp ứng được khối lượng cung cấp theo tiến độ dự án. Nhiều mỏ đã hết hạn khai thác, đang chờ gia hạn cấp phép, trong khi một số mỏ do tư nhân đang khai thác chưa sẵn sàng ký hợp đồng để chờ giá lên cao… các vấn đề này cần sớm được tháo gỡ”, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết.