Phương án xử lý
Trong giải trình báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, theo quy hoạch được phê duyệt, hướng tuyến 3 đoạn này đi trùng với hướng tuyến đường Hồ Chí Minh đã xây dựng giai đoạn 1 với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 9m, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu kỹ các giải pháp đối với các đoạn đi trùng đường Hồ Chí Minh, bảo đảm các tiêu chuẩn đường cao tốc, tận dụng nền đường và các công trình đã xây dựng giai đoạn 1, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi.
Theo rà soát của Bộ GTVT, tại Nghị quyết số 66/2013/QH13 của Quốc hội khóa XIII về điều chỉnh các nội dung và giải pháp thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 xác định: “Sau năm 2020, nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020”. Qua thời gian khai thác, trên tuyến đường Hồ Chí Minh hiện đã hình thành các khu dân cư, các công trình văn hóa, hạ tầng của các địa phương… dọc hai bên tuyến.
Vì vậy, trong bước nghiên cứu khả thi dự án, Bộ GTVT phối hợp với các địa phương, khảo sát hiện trạng, so sánh và cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn hướng tuyến phù hợp. Cụ thể, đối với các đoạn qua khu dân cư, hướng tuyến cao tốc Bắc Nam được điều chỉnh theo hướng tuyến mới, đường Hồ Chí Minh hiện hữu sử dụng làm đường kết nối, phục vụ dân sinh.
Đối với các đoạn không tập trung dân cư và có các công trình văn hóa, di tích… để bảo đảm yếu tố kỹ thuật đường cao tốc, hướng tuyến sẽ bố trí đi trùng với đường Hồ Chí Minh hiện hữu, nhằm tận dụng tối đa nền mặt đường và các công trình đã xây dựng; đồng thời, xây dựng mới hệ thống đường gom, hầm chui dân sinh để bảo đảm kết nối, phục vụ dân sinh.
“Để bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân, giải pháp thiết kế đã nghiên cứu, tính toán đầu tư hệ thống đường gom kết nối với các đoạn đường Hồ Chí Minh hiện hữu (hướng tuyến cao tốc không đi trùng), hình thành tuyến đường dân sinh song hành với đường cao tốc, kết hợp với các hầm chui, cầu vượt ngang phục vụ dân sinh, tạo thành mạng lưới giao thông phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất, sinh hoạt của người dân ”, báo cáo nêu rõ.
Rà soát kỹ tổng mức đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam
Tại điều 134 Luật Xây dựng hiện hành quy định: “Trường hợp phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng thì việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư theo thiết kế sơ bộ là cơ sở để ước tính chi phí đầu tư xây dựng”.
Mặt khác, pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng cũng quy định sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng được ước tính trên cơ sở quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ theo phương án thiết kế sơ bộ của dự án và suất vốn đầu tư xây dựng hoặc dữ liệu chi phí của các dự án tương tự về loại, cấp công trình, quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ, tính chất dự án đã thực hiện; có sự phân tích, đánh giá để điều chỉnh quy đổi về mặt bằng giá thị trường phù hợp với địa điểm xây dựng, bổ sung những chi phí cần thiết khác của dự án, đặc biệt là yếu tố biến động giá của một số vật liệu chủ yếu như vật liệu đắp, thép xây dựng, xăng dầu.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt giai đoạn 2017 - 2020, 4 dự án thành phần đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) có suất đầu tư bình quân 190 tỷ đồng/km. Còn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn 2021 - 2025, các dự án thành phần trên đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị) và đoạn Quảng Ngãi - Nha Trang có suất đầu tư bình quân 194 tỷ đồng/km.
Bên cạnh đó, đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ có suất đầu tư bình quân 210 tỷ đồng/km, còn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau có suất đầu tư bình quân 253 tỷ đồng/km. Mặc dù đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ và Cần Thơ - Cà Mau có đặc điểm địa chất tương đồng, song số lượng các công trình cầu trên đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ chỉ chiếm 4,4% chiều dài, thấp hơn nhiều so với 9,2% chiều dài tuyến trên đoạn Cần Thơ - Hậu Giang...
Vì vậy, suất đầu tư dự án trong các giai đoạn khác nhau được điều chỉnh để làm cơ sở để bố trí vốn. Tùy thuộc vào từng giai đoạn, quy định về mức độ chính xác đối với tổng mức đầu tư cũng khác nhau, nên việc so sánh như trên chỉ mang tính chất tương đối. Bộ GTVT sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và đồng hành phối hợp với các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước trong các bước nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, nhằm đảm bảo chuẩn xác tổng mức đầu tư, trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí.
Trước đó, báo cáo Quốc hội về dự án đầu tư cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, theo Kiểm toán Nhà nước, sơ bộ tổng mức đầu tư bình quân cho mỗi km cao tốc là 175,4 tỷ đồng (không tính chi phí giải phóng mặt bằng). Tuy nhiên, kiểm toán một số dự án đường cao tốc có quy mô tương tự (4 làn xe) như dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 và căn cứ Thông tư liên quan, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 130.605 tỷ đồng, bình quân 152,9 tỷ đồng/km (không bao gồm giải phóng mặt bằng).
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và cơ quan liên quan rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của các dự án, tính khả thi của sơ bộ tổng mức đầu tư, tham khảo số liệu tổng mức đầu tư của dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 để bảo đảm khả năng cân đối nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025.