Siêu thị nội chịu nhiều sức ép - Bài 1

Siêu thị ngoại ngày càng mở rộng, thâu tóm thị trường bán lẻ trong nước đang khiến các siêu thị nội trở nên lép vế hơn. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, làm thế nào để siêu thị nội có thể giữ được thị phần trong nước, không để rơi vào tay các đối thủ nước ngoài là vấn đề đang rất được quan tâm.

Trong thời gian gần đây, thị trường Việt Nam đã nhanh chóng trở thành điểm đến của rất nhiều siêu thị ngoại. Sự xuất hiện của những “đại gia” siêu thị thế giới Big C, AEON, Lotte... đang khiến cho cán cân thị phần của siêu thị nội - ngoại thay đổi nhanh chóng.

Cùng với việc siêu thị ngoại “bành trướng” thì miếng bánh thị phần của siêu thị nội đã sụt giảm. Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nếu như năm 2010, siêu thị ngoại mới chiếm 5% số lượng điểm bán và 15% doanh thu thì tính đến cuối năm 2015, cả nước đã có 110 điểm siêu thị ngoại trên tổng số 700 siêu thị, chiếm tỷ lệ 15%, doanh số cũng tăng lên mức 35%.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị AEON (Long Biên, Hà Nội).

“Đến nay hầu như tất cả các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới đều đã vào Việt Nam, một số “ông lớn” khác cũng đang thăm dò. Nếu siêu thị nội không mạnh lên thì có thể tới năm 2025, siêu thị ngoại có thể chiếm đến 50% thị phần bán lẻ tại Việt Nam”, ông Phú dự báo.

Một trong những cách làm để siêu thị ngoại phát triển nhanh chóng hệ thống phân phối tại Việt Nam là mua bán, sáp nhập, hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp (DN) trong nước. Tập đoàn BJC của Thái Lan đã mua lại siêu thị Metro và chuỗi siêu thị Familymart của Phú Thái, AEON mua 49% cổ phẩn của Citimart và 30% của Fivimart, Nojima mua 20% cổ phần của Trần Anh Group… Các chuyên gia cho rằng, các DN ngoại đã có những bước đi thích hợp để chỉ trong một thời gian ngắn chiếm lĩnh và thâm nhập hàng chục cơ sở, đặt chân vào mạng lưới phân phối mà các DN nội phải mất mấy chục năm xây dựng mới có.

Ông Vũ Vinh Phú phân tích, đây là cách làm rất thông minh và dễ dàng “lách” được các quy định của Việt Nam. Cụ thể, khi các DN ngoại mở điểm bán lẻ thứ hai sẽ phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT). Tuy nhiên với cách mua lại, sáp nhập hệ thống bán lẻ của DN nội, các DN ngoại sẽ không cần phải thực hiện ENT này nữa, đồng thời tự khắc họ có thêm cả chục điểm bán lẻ.

Tuy nhiên, siêu thị ngoại không chỉ mạnh về tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản trị mà còn đang chinh phục khách hàng nhờ phong cách phục vụ chuyên nghiệp. Trong một lần mua sắm tại siêu thị AEON (Long Biên, Hà Nội), anh Tuấn Cường (Thái Bình) không khỏi “bối rối” sau khi mua đồ xong được nhân viên bảo vệ đứng cúi rạp người cảm ơn theo phong cách Nhật. Có lẽ khách hàng Việt chưa quen với hành động này nên còn lạ lẫm nhưng đó là điều rất quen thuộc tại đất nước mặt trời mọc, và người Nhật đã mang cả cách phục vụ này sang Việt Nam. Anh Cường cho biết thêm: “Khi điều chỉnh giá, họ đều treo bảng: Chúng tôi xin lỗi vì phải điều chỉnh tăng giá ở mỗi gian hàng. Nhờ vậy, mọi người vui vẻ mua sắm mà không hề tỏ ra khó chịu gì”.

Chưa kể, rất nhiều điểm thu hút của AEON khiến khách Việt khó lòng chối từ như khu ăn uống tự phục vụ với giá mỗi đồ ăn Nhật chỉ 5.000 - 10.000 đồng; khu siêu thị đồng giá Daiso với giá chỉ 40.000 đồng/món đồ... Nhờ vậy, siêu thị Nhật này dù mới vào Việt Nam nhưng đã thu hút rất đông khách hàng tại các khu vực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bình Dương.

Trông người lại ngẫm đến ta! Anh Dương Trường (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện khi mua sắm tại siêu thị Intimex gần hồ Gươm. Sau khi thanh toán xong, anh Trường muốn tích điểm vào thẻ khách hàng để được hưởng các ưu đãi nhưng nhân viên thu ngân trả lời “do anh không đưa thẻ từ trước lúc thanh toán nên không thể tích điểm được nữa”. Bức xúc, anh Trường đã làm việc với nhân viên chăm sóc khách hàng của siêu thị này và cuối cùng cũng được tích điểm.

Cách làm việc kém chuyên nghiệp, thiếu nhiệt tình, cởi mở của không ít siêu thị nội, với những khuôn mặt nhân viên cau có là một điểm trừ rất lớn của siêu thị nội trên con đường đầy gian nan là phải cạnh tranh với siêu thị ngoại.

Theo bà Đinh Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng thì cạnh tranh giữa các siêu thị nội với siêu thị ngoại sẽ ngày càng khốc liệt. Nếu DN nội không vươn lên mạnh mẽ thì nguy cơ bị thôn tính bởi DN nước ngoài có thể diễn ra bởi đó là sự chọn lọc tự nhiên trong cơ chế thị trường.

Bài cuối: Tìm lối đi trong khó khăn
Bài và ảnh: Hoàng Dương
Đại siêu thị Hàn Quốc Emart gia nhập thị trường Việt Nam
Đại siêu thị Hàn Quốc Emart gia nhập thị trường Việt Nam

Sau 5 năm tiến hành khảo sát và nghiên cứu thị trường, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc Emart (thuộc tập đoàn Shinegae) sẽ chính thức khai trương đại siêu thị Emart đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 28/12 tới tại Gò Vấp, đúng dịp kỷ niệm 23 năm quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN