Đưa hàng Việt vào siêu thị nước ngoài

Thời gian qua, các nhà phân phối đã không ngừng kết nối với các nhà cung ứng, đặt hàng những sản phẩm chất lượng, theo tiêu chuẩn riêng để không chỉ cạnh tranh với các hàng ngoại cùng loại ở siêu thị trong nước mà còn có chỗ đứng trong siêu thị ngoại.


Hàng Việt vào siêu thị nước ngoài phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn các thị trường nước ngoài.

Đưa hàng Việt “xuất ngoại”

Theo Bộ Công Thương, hiện có hàng trăm mặt hàng Việt như phở, bún, bánh đa, nhãn, gấc, vải... đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới thông qua hệ thống siêu thị nước ngoài. Không những mang lại hàng trăm triệu USD kim ngạch xuất khẩu, hàng Việt còn được quảng bá tốt và tiếp cận nhanh chóng với người tiêu dùng thế giới. Để có được điều này, hầu hết các nhà phân phối như Big C, Aeon, Co.op Mart, Lotte Mart... đều có những chương trình "đưa hàng Việt ra nước ngoài". Đáng chú ý, các mặt hàng đặc sản Việt đang được các nhà phân phối quan tâm rất nhiều

Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Truyền thông hệ thống siêu thị Big C, cho hay là một trong những đơn vị nhiều năm đưa hàng Việt ra nước ngoài, năm 2014 Big C đã xuất khẩu một lượng lớn nông sản, đặc sản Việt Nam sang Pháp. Hiện đã có hơn 700 mặt hàng nông sản, đặc sản của hơn 60 nhà cung cấp được tiêu thụ tại Pháp. Khách hàng Pháp rất thích các loại trái cây, trà túi lọc, bánh tráng, nem, bánh phồng, đồ thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất... nhập khẩu từ Việt Nam.

Ông Hồ Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH XK Trái cây nhiệt đới:

Cần một phương án kinh doanh bài bản

Với các DN lớn, phương án “buôn tận gốc, bán tận ngọn” sẽ giúp tạo được lợi thế tốt nhất cho DN. Vì hiện nay, nông dân Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ cách thức nuôi trồng, bảo quản các loại trái cây đặc sản bằng loại thuốc, hóa chất nào để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Nguyên nhân điều kiện khí hậu của nước ta khác với các quốc gia vùng ôn đới nên việc sử dụng thuốc sẽ có sự khác biệt, chỉ cần sai lệch về một hóa chất trong thuốc bảo vệ thực vật, hàng có thể bị trả lại. Bên cạnh đó, khó khăn của các DN xuất khẩu đặc sản nói chung và trái cây đặc sản nói riêng là chưa có nhiều sự hỗ trợ của Nhà nước nên DN phải tự học hỏi, tự trang bị kinh nghiệm và kiến thức. Hơn nữa, việc XK các mặt hàng này còn vướng mắc ở khâu kiểm dịch, cần có sự đồng bộ, nhất quán hơn giữa các cơ quan chức năng, cần tăng cường các cơ sở kiểm dịch, chiếu xạ uy tín trong nước. Vì như khu vực miền Nam hiện giờ chỉ có một nhà máy chiếu xạ hoạt động nên thường gây tình trạng ùn ứ vào thời gian cao điểm.

Một siêu thị chuyên ủng hộ hàng Việt, ưu tiên hàng Việt là Co.op Mart nay cũng không còn quanh quẩn trên “sân nhà” mà đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến thị trường xuất khẩu. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho biết thị trường mà đơn vị đang xuất khẩu là Singapore và Nhật Bản, hai nước thành viên tham gia Hiệp định TPP. Trong 9 tháng đầu năm, doanh số xuất khẩu hàng Việt sang Singapore của Saigon Co.op tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năng trước. "Theo kế hoạch, năm nay chúng tôi đặt mục tiêu xuất khẩu thông qua đối tác Fairprice (Singapore) tăng 60%", ông Võ Hoàng Anh nói.

Còn tại thị trường Nhật Bản, không nói về doanh số nhưng theo ông Hoàng Anh, các mặt hàng chủ lực là mà Saigon Co.op xuất qua chủ yếu là thanh long, khoai lang... Cùng với SaiGon Co.op, Aeon cũng đã làm việc với các nhà cung cấp Việt Nam để đưa hàng qua Nhật. Năm 2013, thông qua hệ thống bán lẻ, Aeon đã đưa một lượng hàng Việt Nam trị giá 60 triệu USD sang Nhật.

Ông Kim Tae Ho, Giám đốc chiến lược sản phẩm Lotte Mart, cho biết tháng 6 vừa qua, bộ phận thu mua đã chọn được 8 nhà cung cấp để đưa hàng qua Hàn Quốc. Trong tháng 10 này, Lotte đã tổ chức hội chợ “Sản phẩm thương hiệu Việt tiêu biểu” tại 100 siêu thị Lotte Mart ở Hàn Quốc. Qua đó, Lotte Mart sẽ xuất 200 mặt hàng đặc sản của Việt Nam, gồm trái cây, nước yến, bánh gạo, đậu phộng... với tổng giá trị ước đạt 750.000 USD sang Hàn Quốc. Cũng theo ông Kim Tae Ho, hiện nay đã có 19 mặt hàng Việt thường xuyên được bày bán tại chuỗi siêu thị Lotte Mart của Hàn Quốc là tôm đông lạnh, găng tay cao su, hàng dệt may, thanh long... với kim ngạch tính đến thời điểm này đã đạt khoảng 2 tỷ USD. Điều này cho thấy, người tiêu dùng Hàn Quốc đón nhận khá tích cực những sản phẩm Việt.

Liên kết chinh phục nhiều thị trường

Mặc dù các siêu thị đã “xuất ngoại” thành công nhiều hàng Việt, nhưng thị trường “xuất ngoại” vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, Việt Nam đang trên bước đường hội nhập với một sân chơi rộng lớn, đòi hỏi sức cạnh tranh cũng rất cao.

Thực tế cho thấy, mặc dù đã có chỗ đứng tại thị trường Hàn Quốc, nhưng ông Hong Won Sik, Tổng giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp Việt vẫn cần chú ý nhiều hơn đến những điểm còn chưa tốt, khiến sức cạnh tranh của hàng hóa còn kém hơn so với các sản phẩm của nước bạn, đặc biệt là thiết kế bao bì và tính đồng nhất của chất lượng sản phẩm. Bởi thiết kế hàng Việt chưa thực sự bắt mắt, chưa thu hút được người tiêu dùng. Đồng thời, bên cạnh nhiều lô hàng có chất lượng rất tốt thì cũng còn nhiều lô chất lượng chưa tương xứng.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Pháp, cho biết để chiếm lĩnh tốt hơn thị trường Pháp, DN Việt Nam cần tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng bao bì, bảo đảm nguồn cung ổn định, đồng thời tham gia đều đặn các hội chợ chuyên ngành tại Pháp để xây dựng, phát triển quan hệ bạn hàng với các nhà nhập khẩu và các nhà môi giới. Do Pháp là quốc gia đòi hỏi cao về chất lượng, các DN Việt Nam có thể mời chuyên gia kiểm soát chất lượng sản phẩm và công nhân lành nghề (thợ cả) của Pháp đến Việt Nam làm việc theo hợp đồng có thời hạn để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa thông qua họ marketing các sản phẩm tại thị trường Pháp.

Hiểu được điều này, các siêu thị đã tăng cường liên kết với các nhà cung ứng sản phẩm để đưa ra những sản phẩm đạt chuẩn, có thể tiến tới tham gia thị trường các nước không chỉ trong cộng đồng kinh tế ASEAN mà cả TPP. Cụ thể, mới đây Co.opmart, Lotte Mart, Big C, Aeon...đã kết nối với hơn 40 doanh nghiệp (DN) địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long chuyên cung ứng sản phẩm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ. Đại diện Saigon Co.op cho biết, việc kết nối này nhằm từng bước giúp DN hoàn thiện vùng quy hoạch sản xuất, chế biến, bao bì, nhãn mác, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe trong quản lý bán lẻ hiện đại. Mặt khác, nhờ những chương trình này mà các siêu thị đã thu mua được nhiều mặt hàng đặc sắc của địa phương, góp phần đa dạng hóa hàng hóa phục vụ người tiêu dùng.

Sau 4 năm triển khai Chương trình hợp tác thương mại giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ, đến nay các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã đầu tư, liên kết triển khai 69 dự án sản xuất, nuôi trồng với tổng số vốn 23.978 tỷ đồng.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Hòa, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong điều kiện dỡ bỏ hàng rào thuế quan khi hội nhập, việc đưa hàng sản xuất trong nước vào hệ thống siêu thị nước ngoài là không hề đơn giản. Ngoài tổ chức tốt khâu sản xuất, đáp ứng yêu cầu được mẫu mã, chất lượng, giá thành thì ai tổ chức tốt khâu logistics, ai làm chủ được hệ thống phân phối thì người đó sẽ đưa được sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh nhất. Ngoài ra, các Bộ Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phải có chính sách khuyến khích người sản xuất đầu tư vào công nghệ sau thu hoạch, chế biến, lưu thông để giảm chi phí, hạ giá thành. Vì muốn hàng hóa “xuất ngoại” và đến được với người tiêu dùng thông qua hệ thống siêu thị phải qua rất nhiều khâu, nhiều công đoạn từ sản xuất, chế biến, bảo quản, lưu thông... Trong tất cả các khâu này, DN phải nâng được năng suất lao động, giảm chi phí, giảm thời gian, giảm hao hụt, bảo đảm được chất lượng... thì mới có cơ hội “chen chân” vào hệ thống siêu thị nước ngoài.

Bài và ảnh: Hải Yên
Công bố tuần nhận diện hàng Việt Nam
Công bố tuần nhận diện hàng Việt Nam

Bộ Công Thương đã chính thức công bố triển khai chương trình “Tuần nhận diện hàng Việt 2015 – Tự hào hàng Việt Nam”, trong khuôn khổ Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014-2020”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN