Hàng Việt Nam xuất sang EU sẽ tăng 30-40% nhờ Hiệp định thương mại tự do

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ đem lại những lợi ích bền vững cho cả hai bên, trong đó phần lợi ích của Việt Nam là trội hơn. Chỉ riêng việc cắt giảm thuế quan sẽ làm hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang EU tăng từ 30 – 40%.

Nhận định trên được đưa ra tại cuộc Hội thảo chuyên đề do Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức ngày 7/3, tại Hà Nội, nhằm đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU.

Ông Jean-Jacques Buoflet, Trưởng Ban Kinh tế - Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam nhấn mạnh: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU sẽ thúc đẩy đầu tư và cải tiến công nghệ, nhờ đó đẩy mạnh năng suất và tăng đầu ra cho nhiều ngành sản xuất. Đây là một trong những kết luận của nghiên cứu đánh giá tác động của hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đối với Việt Nam trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường đầu tư.

Cùng đó, Hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng góp phần bảo vệ tốt hơn các nhà đầu tư của hai bên. Sau khi Hiệp định được ký kết (dự kiến vào tháng 9/2014), doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từ các nước EU và các quốc gia đối tác khác vào Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng lên. Đáng chú ý là qua đây các nhà đầu tư sẽ thực sự coi Việt Nam như cứ địa sản xuất để xuất khẩu sang EU và tất cả các nước đối tác thương mại của Việt Nam theo các FTA.

Hiện Việt Nam và Liên minh châu Âu đã qua 6 vòng đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), kể từ tháng 6/2012. Qua đó, Việt Nam và Liên minh châu Âu dự kiến sẽ ký kết Hiệp định FTA vào tháng 9/2014. Theo kết quả nghiên cứu ban đầu, Hiệp định đem lại những lợi ích bền vững cho cả 2 bên, trong đó phần lợi ích của Việt Nam là trội hơn. Riêng việc cắt giảm thuế quan sẽ làm tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU lên khoảng 30 – 40%, cao hơn mức tăng xuất khẩu trong trường hợp không có Hiệp định. Các ngành có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ FTA bao gồm dệt may, giày dép, chế biến thực phẩm…

Theo các chuyên gia, thì quan ngại hàng đầu của Việt Nam là về các biện pháp SPS (Hiệp định về việc áp dụng các Biện pháp kiểm dịch động thực vật) và TBT( Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật đối với Thương mại) mà EU đang áp dụng. Theo đó Việt Nam cần tham vấn nhiều hơn khi ra quyết định liên quan đến các quy tắc này, đồng thời xây dựng năng lực để hỗ trợ đáp ứng các tiêu chuẩn mới. Khung thể chế của Việt Nam cũng cần được hỗ trợ để giới thiệu về các thủ tục của EU đến doanh nghiệp, cũng như việc đàm phán hiệp định công nhận chung về chất lượng và tiêu chuẩn.


Uyên Hương
Đàm phán TPP đạt tiến bộ quan trọng
Đàm phán TPP đạt tiến bộ quan trọng

Hội nghị Bộ trưởng 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Singapore đã đạt được tiến bộ quan trọng sau bốn ngày làm việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN