Trong cuộc đua ngày càng cam go trên thị trường điện máy, nhiều siêu thị đã “sập tiệm”, nhưng cũng có những siêu thị trụ vững. Bí quyết nào rút ra cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này?
Chết yểu do đâu?
Đi qua đường Cầu Giấy (Hà Nội) những ngày này, dễ dàng nhận thấy vị trí “vàng” trước kia là đại siêu thị điện máy Topcare một thời “làm mưa làm gió” đang được sửa chữa trở thành một trung tâm thời trang. Nhớ lại quá trình phát triển của Topcare, nhiều người không khỏi tiếc nuối khi đây từng là một trong những chuỗi siêu thị bán lẻ điện máy số một của Hà Nội những năm 2011 - 2014 cho đến khi bất ngờ đóng cửa đầu năm 2015.
Các siêu thị điện máy tiếp tục đối mặt khó khăn trong năm nay do giá mặt bằng cho thuê cao, trong khi lượng khách suy giảm. |
Không riêng gì Topcare mà thời gian qua, nhiều thương hiệu siêu thị điện máy khác tại thị trường Hà Nội cũng bị khai tử như Best Carings, Việt Long... Một loạt siêu thị điện máy khác cũng bắt đầu thu hẹp quy mô trưng bày. Chẳng hạn như siêu thi điện máy Pico (173 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy), trước đây bề thế với 4 tầng nay đã thu lại còn 3. Siêu thị điện máy Trần Anh (292 Tây Sơn, quận Đống Đa) cũng thu hẹp quy mô từ 4 tầng xuống còn 3 nhằm giảm các chi phí. Siêu thị Media Mart mới đây đã đóng cửa điểm bán hàng ở Nguyễn Chí Thanh.
Rõ ràng, các siêu thị điện máy đang phải đối đầu với rất nhiều khó khăn khi thị trường đạt đến mức bão hòa. Những năm 2010 - 2011, thị trường điện máy Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ hàng loạt chuỗi siêu thị từ nhỏ đến lớn, mang lại niềm hứng khởi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, ngay sau đó lại là sự đóng cửa của nhiều tên tuổi, mà trong đó có nhiều tên tuổi lớn trên thị trường.
Theo giới kinh doanh điện máy, nguyên nhân của sự sụp đổ này là do các siêu thị lâm vào cảnh tài chính khó khăn, thiếu tiền thuê mặt bằng, nợ lương, nợ bảo hiểm nên phải giảm bớt nhân viên... Doanh thu của nhiều siêu thị điện máy cũng không còn được như trước.
Theo tìm hiểu, chi phí mặt bằng thường chiếm tới 50% tổng chi phí của các siêu thị điện máy. Kinh doanh thua lỗ nhưng các siêu thị muốn trả lại mặt bằng cũng không dễ do đã ký hợp đồng thuê dài hạn và phải đặt cọc với số tiền lớn hàng tỷ đồng. Ngược lại, do hàng tồn kho cao, nhiều siêu thị phải thực hiện xả hàng, giảm giá mạnh, chấp nhận thua lỗ hoặc hòa vốn.
Tìm những hướng mới
Có thể thấy đã qua thời các siêu thị chạy đua với chiến dịch mở chuỗi cùng các chương trình giảm giá “khủng” bởi yêu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn. Các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ “chạy đua” theo kiểu “anh có, tôi cũng có” mà không nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu khách hàng và thị trường thì kết cục đóng cửa là điều dễ hiểu.
Bên cạnh những siêu thị phải đóng cửa, vẫn còn nhiều siêu thị hoạt động tốt, duy trì được số cửa hàng. Kinh doanh điện máy là lĩnh vực có tính cạnh tranh cao, tỉ suất lợi nhuận thấp nên các doanh nghiệp phải “có nghề” mới có thể tồn tại. Hồi đầu năm, đại gia bán lẻ điện máy Thái Lan là Central Group đã mua lại 49% cổ phần của Công ty CP Đầu tư Phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (đơn vị sở hữu 100% cổ phần của Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim - chuỗi siêu thị điện máy có thị phần lớn nhất Việt Nam). Việc bán vốn cho đối tác ngoại được cho là một chiến lược khôn ngoan của hệ thống Nguyễn Kim.
Trong khi đó, do thị trường Hà Nội đã bão hòa nên siêu thị Trần Anh lại chọn cách hướng đến các thị trường tiềm năng tại các tỉnh thành quanh Hà Nội. Ngoài ra, siêu thị này còn lên sàn chứng khoán như là một cách đi riêng.
Ngược lại với làn sóng “bán mình” cho các đối tác ngoại, nhiều doanh nghiệp đang tự tìm cách đi lên. Chẳng hạn, siêu thị Điện máy Xanh đã tận dụng thế mạnh từ tiềm lực tài chính dồi dào và kinh nghiệm của chuỗi siêu thị điện thoại Thegioididong.com trước đây để bứt phá nâng số lượng điểm bán của mình vượt quá con số 30. Sau 5 năm chỉ phát triển tại khu vực phía Nam, doanh nghiệp này cho biết sẽ “Bắc tiến” vào cuối quý 3 năm nay và đặt mục tiêu đến cuối năm sẽ đạt mốc 70 siêu thị, trở thành chuỗi siêu thị điện máy phủ rộng nhất Việt Nam. Nguyên nhân giúp Điện máy Xanh phát triển mạnh hơn từ năm 2015 là đi theo hướng các siêu thị quy mô vừa phải (800 - 1.000 m2), nhờ vậy có thể xây dựng nhanh chóng, mở rộng nhanh, chiếm ít chi phí vận hành.