Bình ổn giá
Qua tìm hiểu của phóng viên tại nhiều địa phương hiện nay cho thấy, giá xăng dầu đã và đang tiếp tục giảm mạnh, nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn không giảm giá cước vận tải. Về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho hay, mỗi lần điều chỉnh giá cước, các hãng taxi tốn nhiều chi phí để kiểm định lại đồng hồ và trang bị bộ dán giá cước mới. Tổng mức phí để thực hiện là 150.000 đồng/xe. Nếu nhân với số đầu xe taxi hiện có thì chi phí không nhỏ. Thêm vào đó, mỗi lần đề xuất tăng/giảm giá cước mất nhiều thời gian, nhân lực để thực hiện, nên trước khi triển khai các doanh nghiệp cần phải có lộ trình hay độ trễ sau các đợt giảm giá xăng dầu.
Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, trong các chi phí đầu vào, giá xăng dầu được các doanh nghiệp dự báo giá nhiên liệu trên thị trường trung bình trong thời gian 3 hay 6 tháng. Doanh nghiệp không căn cứ vào giá xăng dầu trong kỳ điều hành 10 ngày để điều chỉnh giá cước. Đối với vận tải hàng hóa, thường hợp đồng giá cước được ký theo lô hàng và được vận chuyển trong thời gian dài. Vận tải khách thì phải đăng ký giá cước với cơ quan quản lý, phải cài đặt lại đồng hồ, phải in vé... nên doanh nghiệp không thể điều chỉnh giá cước theo chu kỳ...
Để bình ổn thị trường, Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nắm tình hình cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ để chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền phương án xử lý kịp thời; nhất là Sở GTVT các địa phương kiểm soát chặt việc việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai giá vận tải của các doanh nghiệp vận tải và xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp lợi dụng giá xăng để tăng giá bất hợp lý.
Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải đăng ký kê khai giá, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cục, vụ liên quan rà soát phương án giá đã kê khai của các doanh nghiệp vận tải, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, thực hiện đồng bộ các giải pháp tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm giá, hỗ trợ người tiêu dùng, bao gồm các yếu tố đầu vào, phí xăng dầu...
Riêng đối với hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước định giá, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị chuyên ngành, các doanh nghiệp thuộc rà soát phương án giá, trường hợp yếu tố hình thành giá giảm, đề nghị trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định pháp luật
"Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin giá, nhất là với nguyên, nhiên, vật liệu hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất; giá cước vận tải, hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vi phạm", Bộ GTVT yêu cầu.
Giá xăng giảm sâu, giá cước vận tải "ì ạch" vì sao?
Khảo sát thị trường vận tải tại Hà Nội, sau nhiều đợt xăng giảm giá liên tục, với tỷ lệ giảm lên đến hơn 20% trong vòng 1 tháng qua, người dân đang chờ đợi đợt giảm giá cước vận tải đồng loạt của các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá cước vận tải vẫn "án binh bất động", nhất là các loại hình vận tải công nghệ như Grab, Be, Gojek, vận tải khách liên tỉnh...
Trước thực tế này, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp vận tải kê khai và giảm giá cước để thực hiện tốt điều hành giá năm 2022 theo văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, tăng cường quản lý giá cước các loại hình vận tải, đảm bảo quyền lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Riêng đối với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách tuyến cố định, taxi công nghệ... Sở GTVT yêu cầu sớm rà soát chi phí cấu thành giá, thực hiện kê khai giảm giá cước khi giá nhiên liệu tiếp tục giảm và lập phương án giá theo đúng chi phí hợp lý phát sinh.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, tại các bến xe trên địa bàn Hà Nội, hầu hết doanh nghiệp vận tải vẫn giữ nguyên giá cũ. Bến xe Mỹ Đình có một số doanh nghiệp tăng giá cước vận tải từ tháng 4 - 6/2022, với mức tăng chưa đến 10%, còn lại hầu hết đều giữ nguyên giá từ 1 - 2 năm nay. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các doanh nghiệp mới phục hồi được trên 70% số chuyến xe đăng ký tại bến, nên xăng giảm giá, các doanh nghiệp vận tải vẫn "lừng khừng" chưa giảm để nghe ngóng các biện pháp xử lý của cơ quan chức năng.
Tại các Bến xe Gia Lâm, Giáp Bát, Nước Ngầm hiện nay cũng chưa có doanh nghiệp vận tải nào thông báo giảm giá cước. Trước đây, khi xăng lên giá, các doanh nghiệp vận tải hoạt động tại đây vẫn giữ nguyên giá cũ, không tăng giá. Lãnh đạo các bến xe chia sẻ, giá xăng tăng/giảm liên tục, nhà xe không kịp hoàn tất thủ tục điều chỉnh giá cước theo quy định, nên vẫn giữ nguyên giá cước.
Thực tế, qua các đợt xăng dầu tăng giá vừa qua, có một số doanh nghiệp vận tải "té nước theo mưa" tăng giá cước vận tải. Hiện, giá xăng dầu giảm hơn 20%, việc doanh nghiệp chần chừ chưa thực hiện giảm giá cước là điều khó có thể chấp nhận. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho cả doanh nghiệp và người dân, bên cạnh sự điều chỉnh giá cước theo thị trường của các doanh nghiệp, cần có sự giám sát của cơ quan chức năng. Vì giá cước vận tải tác động tực tiếp, liên hoàn đến giá hàng hóa, lương thực, thực phẩm, việc chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp vận tải cũng cần đảm bảo công bằng.
Để thực hiện tốt điều hành giá năm 2022 theo văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT, tăng cường quản lý giá cước vận tải xe khách tuyến cố định, vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố và đảm bảo quyền lợi, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, UBND các quận, huyện, thị xã, chỉ đạo bộ phận tiếp nhận hồ sơ kê khai giá cước đề nghị tổ chức, cá nhân đang thực hiện kê khai giá tại địa bàn thuộc quận, huyện, thị xã quản lý; rà soát chi phí cấu thành giá, điều chỉnh kê khai giảm giá cước khi giá nhiên liệu giảm.