Trong tổng doanh số bán này, có 20.630 xe du lịch, tăng 34%; 6.396 xe thương mại, tăng 29% và 226 xe chuyên dụng, giảm 16% so với tháng trước.
Xét theo nguồn gốc xe, trong khi doanh số bán của xe sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 17.826 xe, tăng 28% thì doanh số tiêu thụ của xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.426 xe, tăng 41% so với tháng trước.
Tính chung tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô Việt Nam từ đầu năm đến hết tháng 9/2020 đạt 179.155 xe các loại, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xe ô tô du lịch giảm 23%, xe thương mại giảm 20% và xe chuyên dụng giảm 36%.
Theo giới quan sát thị trường, doanh số bán hàng trên chưa phản ánh hết toàn cảnh thị trường ô tô Việt Nam bởi còn có sự góp mặt của các thương hiệu khác là Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Volkswagen, Volvo, VinFast, TC MOTOR… Tuy nhiên, một số đơn vị này không phải là thành viên của VAMA hoặc là đơn vị thành viên nhưng tạm dừng gửi báo cáo hoặc không tiết lộ doanh số bán hàng.
Chỉ tính riêng TC MOTOR (đại diện thương hiệu Hyundai Thành Công) - đơn vị không phải là thành viên VAMA ngày 10/10 công bố trong tháng 9 vừa qua có doanh số bán hàng đạt 8.213 xe, tăng 53% so với tháng trước; nâng tổng doanh số bán 9 tháng năm 2020 lên 49.200 xe. Cùng ngày, VinFast cũng công bố doanh số bán ô tô trong tháng 9 đạt mức kỷ lục 3.684 xe kể từ khi đơn vị này có sản phẩm ô tô tung ra thị trường đến nay.
Chỉ tính riêng doanh số bán hàng của VAMA, TC MOTOR và VinFast công bố, trong tháng 9 vừa qua thị trường ô tô Việt Nam tiêu thụ đến 39.147 xe các loại.
Dựa vào báo cáo công bố chính thức của các đơn vị trên, trong tháng 9 vừa qua, thương hiệu ô tô tiêu thụ nhiều xe nhất tại thị trường Việt Nam là TC MOTOR với việc bán được 8.213 xe; tiếp đến là Toyota 6.366 xe, Kia 3.854 xe, VinFast 3.684 xe, Mazda 3.345 xe, Ford 2.611 xe, Mitsubishi 2.509 xe, Honda 1.670 xe…
Theo nhận định của giới chuyên doanh, sau khi doanh số bán ô tô trong tháng 8 vừa qua giảm 14% do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đặc biệt là tháng 7 âm lịch, dân gian thường gọi là tháng “Ngâu” người tiêu dùng thường kiêng mua sắm, bước sang tháng 9 thị trường ô tô Việt Nam đã khởi sắc và tăng đến 32% so với trước do đã qua tháng “Ngâu” và tình hình dịch bệnh ở trong nước đã được kiểm soát tốt.
Bên cạnh đó, cùng với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, nhiều doanh nghiệp cũng tung ra chương trình khuyến mại, ưu đãi giảm giá nhiều dòng xe, thậm chí cả những dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc không thuộc diện giảm 50% lệ phí trước bạ, nhưng doanh nghiệp vẫn chủ động đưa ra ưu đãi này để kích cầu thị trường. Nhờ đó doanh số bán hàng của thị trường ô tô Việt Nam tháng 9 vừa qua tăng trưởng.
Tuy nhiên, giới chuyên doanh cũng đưa ra nhận định, thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 khó đạt được mức tiêu thụ gần 400.000 xe như năm 2019, bởi doanh số bán bình quân trong 9 tháng của năm 2020 mới đạt gần 20.000 xe/tháng, trong khi mức bình quân của năm trước là hơn 33.000 xe/tháng.
Như vậy, thời gian còn lại của năm 2020 là không nhiều, thậm chí kể cả thị trường ô tô Việt Nam sẽ có đợt tăng trưởng mạnh vào tháng cuối năm – tháng cao điểm mua sắm trong năm và khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ hết hiệu lực, người dân sẽ đổ xô mua xe trong tháng này để tận dụng mức giảm lệ phí trước bạ, nhưng cũng không giúp thị trường ô tô Việt Nam cả năm 2020 tăng trưởng như năm 2019.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng hạn chế mua sắm do thị trường du lịch chưa thực sự mở cửa đối với du khách quốc tế. Ngoài ra, cũng do ảnh hưởng của đại dịch COVI-19, doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả và nhiều người tiêu dùng vẫn phải thắt chặt chi tiêu mua sắm nên thị trường ô tô Việt Nam cả năm 2020 khó có tăng trưởng.