Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có trên 221 ha dừa bị sâu đầu đen tấn công; trong đó, gần 50 ha bị thiệt hại mức độ trên 40%, gần 37 ha bị thiệt hại từ 20 - 40%, trên 94 ha bị thiệt hại từ 10 - 20%, diện tích còn lại bị thiệt hại dưới 10%. Đáng lo ngại, trong số diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công có trên 185 ha dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Ông Lê Trường Sơn, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh) cho biết, đơn vị đang tích cực hỗ trợ nhà vườn khống chế, phòng trị sâu đầu đen hại dừa để giảm thiểu thiệt hại. Các vườn dừa sản xuất thông thường bị thiệt hại nặng (trên 21.000 cây dừa) sẽ được ngành chuyên môn hỗ trợ vật tư, nhân công phun xịt thuốc trừ sâu đầu đen.
Đối với các vườn dừa sản xuất hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ, ngành chuyên môn hướng dẫn nhà vườn cắt tỉa, tiêu hủy tàu lá bị hại nặng nhằm giảm mật số sâu hại, đặc biệt là nhộng. Đồng thời, khuyến cáo nhà vườn sử dụng biện pháp sinh học, không sử dụng các biện pháp hóa học để phòng trị. Theo đó, nhà vườn có thể sử dụng nguồn thiên địch như ong ký sinh, bọ xít bắt mồi, kiến vàng, bọ đuôi kim… và một số thuốc trừ sâu sinh học để tiêu diệt sâu đầu đen.
Sâu đầu đen hại dừa là đối tượng sâu bệnh rất nguy hiểm, có khả năng gây hại toàn bộ tàu lá trên cây bị cháy khô, suy kiệt dần, giảm năng suất và có thể gây chết cây. Khi bị sâu đầu đen tấn công, tàu dừa cháy khô từ những lá già bên dưới, dần lên các lá bên trên và các tàu lá non trên ngọn. Sâu cạp biểu bì mặt dưới lá chét, thải phân và nhả tơ kết thành tổ như tổ mối để trú ẩn. Khi bị động chúng chui vào trong tổ hoặc nhả tơ xuống đất. Sâu non (ấu trùng) còn tấn công cả trái dừa, cây mới trồng đến cây trưởng thành, tấn công cả nhóm dừa cao và dừa lùn.
Để ngăn chặn sâu đầu đen lây lan, phát tán trên diện rộng, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện và ngăn chặn sâu đầu đen gây hại trên cây dừa. Khi phát hiện sâu đầu đen, nhà vườn cần cắt tỉa và tiêu hủy tàu lá hoặc lá bị sâu gây hại bằng cách đốt hoặc vùi xuống nước; không vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ phụ như cau, chuối và trái dừa bị nhiễm sâu đầu đen sang các vùng khác để hạn chế sự lây lan.
Trà Vinh hiện có tổng diện tích trồng dừa trên 27.500 ha. Đây là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, được UBND tỉnh thực hiện chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị nhiều năm qua. Hiện tỉnh có 9 vùng trồng dừa với tổng diện tích trên 1.240 ha và 2 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc.
Theo tính toán của các nhà khoa học, diện tích dừa của Trà Vinh có khả năng hấp thu khoảng 1,2 triệu tấn carbon nên địa phương đang từng bước hướng đến tham gia thị trường carbon ngành hàng dừa.