Chưa nắm rõ Thông tư 25
Thông tư 25 mới đây của Bộ Công Thương nêu rõ, các trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình), có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà).
Trường hợp sinh viên và người lao động thuê nhà có thời hạn thuê nhà dưới 12 tháng, nếu chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.
Ngoài ra, chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức sử dụng điện cho chủ nhà, căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan công an quản lý địa bàn.
Theo đó, cứ 4 người được tính là 1 hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể, 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức.
Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.
Tuy nhiên, đến nay nhiều chủ nhà trọ tại Hà Nội vẫn chưa biết đến thông tư mới này. Tại khu nhà trọ của chị Nguyễn Thị Linh, khu Đô thị Định Công, với căn phòng khoảng 12 - 15m2, giá thuê từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng, việc sử dụng điện tại đây vẫn được dùng chung công tơ và chia theo đầu người, với mức giá điện trung bình dao động trong khoảng 3.000 - 3.500 đồng/kWh.
Chị Linh cho rằng, mức giá này đã rẻ hơn so với những khu trọ chung cư khác và chị mới chỉ được nghe qua về Thông tư 25, chứ cũng chưa thực sự hiểu về thông tư này.
Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 2A, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, khu dân cư của ông cũng có khá nhiều gia đình cho thuê trọ, nhưng hầu hết đều cho thuê ít người ở, nên việc tính toán giá điện theo như thông tư mới cũng sẽ khó thực hiện.
Hơn nữa ông Hùng cũng cho hay: “Tôi là tổ trưởng nhưng cũng chưa nắm được thông tư này để có thể hướng dẫn, nhắc nhở lại cho các hộ dân trong khu vực của mình thực hiện”.
Qua tìm hiểu tại khu vực Bạch Mai, Đại La, quanh các trường đại học Kinh tế quốc dân, Bách Khoa, Xây dựng..., khu vực có số lượng sinh viên ở trọ khá đông đúc, rất nhiều sinh viên gần như không nghe đến Thông tư 25 mới và vẫn đang thực hiện trả tiền điện tại các phòng trọ theo “quy định miệng” với các chủ nhà trọ.
Sinh viên Nguyễn Đức Anh, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ở trọ tại khu vực Đại La cho biết, giá điện em phải trả cho mỗi số điện hiện là 3.500 - 4.000 đồng/kWh. Nếu có thực hiện giá bán điện như hướng dẫn theo quy định mới đây là hơn 2.000 đồng/kWh, thì em cũng lo ngại việc các chủ nhà trọ sẽ tăng các chi phí nước sạch, internet, vệ sinh... để bù vào chi phí bị giảm đi này.
Kiểm tra chặt chẽ hơn
Theo đánh giá của GS. TSKH. Trần Đình Long, Thông tư 25 của Bộ Công Thương đã giải quyết được sự bất hợp lý. Cụ thể, trước đây các chủ phòng trọ lắp đặt chung một công tơ điện cho các hộ, cá nhân thuê trọ và tính tiền theo nhân khẩu; hoặc tính tiền điện với giá rất cao, vượt quá khung quy định trong cách tính giá theo bậc thang lũy tiến của ngành điện.
Nhưng với Thông tư mới này, các cá nhân xây nhà cho thuê (chủ cho thuê phòng trọ) phải lắp đặt công tơ tính tiền điện riêng cho mỗi phòng trọ (hộ thuê). Do đó, về nguyên tắc, các chủ hộ này muốn cho thuê nhà phải đặt công tơ riêng tại mỗi phòng trọ để các hộ thuê trọ được hưởng quyền lợi như một hộ sử dụng điện độc lập. Như vậy sẽ hợp lý hơn.
Riêng đối với quy định ghép 4 người được tính theo 1 định mức hoặc theo một hộ độc lập là rất hợp lý, để cho họ hưởng giá điện sinh hoạt với mức giá trung bình trong khung giá điện bậc thang mức trung bình. Nếu hộ sử dụng nào vượt quá mức ấy sẽ áp dụng biểu giá cạnh tranh như các hộ tiêu thụ khác.
Tuy nhiên, ông Trần Đình Long cũng lo ngại việc chấp hành áp giá bán lẻ điện sinh hoạt của các chủ nhà trọ. Ông Long cho rằng, trong thanh, kiểm tra số liệu sử dụng điện, nếu nơi nào sử dụng công tơ điện tử, số liệu sử dụng điện sẽ được cập nhật về đơn vị quản lý, kinh doanh điện năng để có thông tin đầy đủ và có thể kiểm tra một cách dễ dàng. Nhưng vẫn còn những nơi sử dụng công tơ cơ học, cần phải thanh kiểm tra chặt chẽ hơn. Đơn vị quản lý điện năng phải đến hiện trường đọc chỉ số và kiểm tra để kịp thời phát hiện các hiện tượng sử dụng điện bất thường, hay bán giá bán lẻ điện cao hơn so với mức quy định để đảm bảo quyền lợi cho người thuê ở trọ.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, Thông tư 25 đã hướng dẫn “với quy định giá bán điện hiện nay thì mỗi 1 kWh người thuê nhà chỉ trả 2.044 đồng (1.858 đồng/kWh +10%VAT). Với cách tính này, người thuê nhà và chủ nhà sẽ dễ dàng tính toán tiền điện một cách minh bạch, rõ ràng".
Ngoài ra, để giải quyết các trường hợp người chủ nhà cho thuê kê khai không đúng số người thuê trọ hoặc khi người thuê trọ đã chuyển đi nhưng chủ nhà không khai báo để giảm định mức mà vẫn giữ nguyên định mức sinh hoạt sử dụng điện, tại Thông tư 25 có bổ sung quyền yêu cầu bồi thường và phạt vi phạm hợp đồng cho Bên bán điện. Cụ thể với trường hợp bên mua điện thực hiện kê khai không đúng số người sử dụng điện để cấp định mức sử dụng điện sinh hoạt nhiều hơn thực tế. EVN phân tích.
Đại diện của EVN cũng cho hay, Tập đoàn này đã chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thành viên rà soát giá bán điện cho người thuê nhà; tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài địa phương và niêm yết hướng dẫn thực hiện giá bán điện cho người thuê nhà tại các điểm giao dịch, website, các khu công nghiệp, chế xuất...
Các Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thành viên báo cáo Sở Công Thương và phối hợp với Sở Công Thương tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc áp giá bán điện tại các địa điểm cho thuê nhà tại địa phương, thống nhất với các chủ nhà cho thuê về việc thực hiện đúng giá bán điện cho người thuê nhà, lập biên bản và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về giá bán điện đối với người lao động thuê nhà để ở.
Tính đến hết tháng 9, EVN đã kiểm tra trên 177.000 nhà trọ và ký biên bản cam kết thu tiền điện đúng giá quy định với 157.000 chủ nhà trọ. Đến ngày 26/10/2018, khi Thông tư 25 có hiệu lực, EVN chỉ đạo các đơn vị rà soát các nhà trọ không kê khai được số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 3 cho toàn bộ sản lượng đo đếm được tại công tơ.
Ngoài ra, EVN cũng sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương để kiểm tra, xử phạt các trường hợp chủ nhà trọ thu tiền sai quy định.