Phản hồi về thông tin nhiều chủ nhà trọ thu tiền điện cao hơn so với quy định, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo Quyết định 4495/QĐ-BCT ngày 30/11/2017 quy định về giá bán điện, từ ngày 01/12/2017 mức giá bán lẻ điện sinh hoạt được tính như sau: Bậc 1 từ 0-50 kWh có giá 1.285 đồng, bậc 2 từ 51 đến 100 kWh có giá 1.336 đồng, bậc 3 từ 101 đến 200 kWh có giá 1.450 đồng, bậc 4 từ 201 đến 300 kWh có giá 1.797 đồng, bậc 5 từ 301 đến 400 kWh có giá 2.035 đồng, bậc 6 từ 401 kWh trở lên có giá 2.120 đồng.
Chủ nhà trọ có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện hàng tháng do công ty điện lực phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung.
“Chủ khu trọ tính giá bán điện 4.000 đồng - 5.000 đồng/kWh là không đúng quy định pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính từ 7.000.000 đến 10.000.000 đồng theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17/10/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, đại diện EVN nhấn mạnh.
Nhiều người thuê trọ hiện nay phải chịu mức giá điện cao hơn gấp nhiều lần so với quy định của nhà nước. |
Chính sách giá điện cho người thuê trọ được áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt cụ thể Tại Điều 10 của Thông tư số 16/2014/TT-BCT, ngày 29/5/2014 của Bộ Công Thương về việc Hướng dẫn thực hiện giá bán điện đã quy định như sau:
Thứ nhất, trường hợp chủ nhà trọ đứng tên ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ), được cấp định mức hoặc áp 01 giá theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (nếu không xác định được số hộ). Trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3 (từ 101 - 200 kWh: 1.858 đ/kWh chưa bao gồm VAT) cho toàn bộ sản lượng điện.
Trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên đứng tên ký hợp đồng mua bán điện (HĐMBĐ) thì đại diện người lao động hoặc sinh viên thuê nhà ký kết hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà). Công ty Điện lực phát hành hóa đơn trực tiếp cho người ở trọ.
Đại diện EVN cũng cho hay, trong thời gian qua, các Công ty Điện lực đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố định kỳ tổ chức các đoàn công tác để kiểm tra giá bán điện của các chủ nhà trọ và đã có nhiều biện pháp xử lý các vi phạm về giá bán điện của các chủ nhà trọ theo quy định.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng khuyến cáo, vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Theo ghi nhận của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, ngày 22/6, công suất đỉnh toàn hệ thống điện quốc gia đạt 34.138 MW, tăng tới gần 3.300 MW so với đỉnh của 2017. Chỉ tính lượng điện tiêu thụ tăng thêm này tương đương công suất của 2 nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam là Sơn La và Lai Châu cộng lại.
Do vậy, để tiết kiệm điện hiệu quả, người dùng nên để điều hòa nhiệt độ ở mức 25 - 26 độ C vào ban ngày và 27 - 28 độ C vào ban đêm; lắp thêm các thiết bị theo dõi và kiểm soát nhiệt độ tự động cho hệ thống điều hòa không khí. Lựa chọn và sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn ngôi sao năng lượng hoặc nhãn năng lượng; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, sử dụng đèn LED thay thế đèn huỳnh quang compact...
EVN cũng đề nghị khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nên tận dụng sản xuất – kinh doanh vào giờ thấp điểm, vừa giảm áp lực cho hệ thống điện vừa tiết kiệm chi phí tiền điện.