Sản xuất lớn, chế biến sâu, tiếp thị tốt để thúc đẩy ngành lúa gạo

Không chỉ có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng, an ninh, Đồng bằng Sông Cửu Long là một trong số ít khu vực trên thế giới có lợi thế đặc biệt về sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Chăm sóc lúa chất lượng cao trên cánh đồng mẫu lớn ở huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Nâng cao giá trị cho lúa gạo

Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động... là điều kiện quan trọng để đưa gạo Việt Nam xuất khẩu trên 150 thị trường trên thế giới.

Mặc dù vậy, thực tế trong những năm gần đây cho thấy ngành hàng lúa gạo Việt Nam đã và đang đối mặt với những thách thức to lớn, đe dọa tới sự phát triển bền vững của ngành hàng có gắn bó sống còn với hàng chục triệu người dân.

Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính 2 tháng đầu năm 2017, các doanh nghiệp xuất khẩu 787.235 tấn gạo, trị giá hơn 328 triệu USD, giảm 18,5% về lượng và 21,4% về trị giá so với cùng kỳ. Tuy nhiên, hạn chế của ngành lúa gạo là do hiệu quả chuỗi giá trị còn thấp, tỷ lệ thất thoát cao. Chất lượng gạo xuất khẩu thấp, tỷ lệ gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%...

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đa số nông dân sống dựa vào cây lúa đang hưởng lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo do ruộng đất ít, nhỏ lẻ dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp, phụ thuộc quá nhiều tài nguyên đầu vào, nhất là nguồn nước...

Thời gian tới, để phát triển ngành lúa gạo một cách bền vững trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đưa ngành nông nghiệp hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, điều tiên quyết phải tổ chức lại sản xuất, mở rộng hạn điền, hình thành cánh đồng mẫu lớn, liên kết hộ nông dân; tổ chức mô hình hợp tác xã kiểu mới để mang lại thu nhập tốt nhất cho người trồng lúa. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý. Việc tổ chức lại sản xuất phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm tốt việc truyên truyền nhằm liên kết bà con nông dân vốn quen sản xuất đơn lẻ thành các hợp tác xã. Từ đó, tạo liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn rồi phát triển thành chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo; nâng cao hiệu quả quản trị, đầu tư hơn nữa cho tất cả các phân khúc trong chuỗi giá trị

Mặt khác, tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị cần được nâng cao để họ cùng với người dân, chính quyền làm tốt vai trò trong chuỗi liên kết; giúp sản xuất ra được những hạt gạo có giá trị cao nhất. Người sản xuất tham gia các quy trình trong chuỗi giá trị kể cả nông dân, hợp tác xã cho đến doanh nghiệp đều hưởng được phần lợi công bằng, phù hợp với phần đóng góp theo từng phân khúc.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần có chế tài ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp khi đã tham gia liên kết với nông dân, với hợp tác xã. Trách nhiệm này thể hiện qua hợp đồng, dưới sự giám sát của chính quyền để những cam kết được tuân thủ nghiêm.


Tổng giám đốc Công ty Lương thực miền Nam Huỳnh Thế Năng - doanh nghiệp chuyên kinh doanh ngành hàng lúa gạo, cho biết, việc hình thành các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, sản xuất lúa gạo trên quy mô lớn sẽ dễ dàng giám sát chất lượng sản phẩm; dễ dàng trong việc tổ chức sản xuất cũng như thu mua sản phẩm; tạo ra vùng hàng hóa lớn, giúp ổn định thị trường. Đây được xem là bệ đỡ cho quá trình xây dựng chuỗi giá trị một cách bền vững.

Tại hội nghị Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo Vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa được tổ chức ở An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, lúa gạo ở Việt Nam, đặc biệt là ở Đồng bằng Sông Cửu Long tiếp tục được khẳng định là vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mang tầm quốc tế.

Lúa gạo cũng là một trong những loại nông sản chiến lược mà Việt Nam có lợi thế hơn hẳn các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp. Xét về điều kiện sinh thái, khó có cây trồng nào có thể thay thế được diện tích lúa trên quy mô lớn ở Việt Nam .

Giải pháp then chốt là khoa học công nghệ

"Do vậy, nếu áp dụng sản xuất lớn, kết hợp chế biến sâu, tiếp thị tốt thì hiệu quả kinh tế ngành lúa có thể tăng nhiều lần và tiếp tục sinh lợi cao. Đặc biệt, nếu có giải pháp khoa học công nghệ tốt còn có thể kết hợp trồng lúa với cây màu, nuôi trồng thủy sản phù hợp với biến đổi khí hậu", Thủ tướng khẳng định. 

Theo Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường, để phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo, không chỉ tổ chức lại sản xuất lúa mà còn phải biến những thách thức từ biến đổi khí hậu thành dư địa thuận lợi cho nền nông nghiệp. Khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt trong tổ chức sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng với đó là vấn đề phát triển thị trường mới; cần rà soát lại những chính sách khuyến khích ứng dựng khoa học công nghệ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nói chung; trong đó có sản xuất lúa gạo.

Việc áp dụng khoa học công nghệ không chỉ ở từng công đoạn mà ở tất cả chuỗi từ nghiên cứu lai tạo giống lúa phù hợp cho giá trị kinh tế cao cho đến quy trình tổ chức sản xuất phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt không chỉ của Việt Nam mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để làm sao chúng ta đưa ra những nhóm sản phẩm sạch.

Mặt khác, trình độ quản trị ở tất cả các khâu, từ sản xuất đến chế biến nhưng đặc biệt chú ý đến mở rộng, khai thác thị trường phát triển để doanh nghiệp nói chung, người sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất lúa gạo có bớt bấp bênh trong việc trong việc hội nhập thị trường. Thời gian tới các bộ, ngành, các địa phương cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa cho nông nghiệp, nhất là về khoa học công nghệ.

"Phải bỏ tư duy sản xuất chạy theo sản lượng, năm sau phải cao hơn năm trước, mà giá trị thấp. Thay vào đó là sản xuất chuyên sâu, nâng cao giá trị của ngành hàng, làm theo quy trình gạo hữu cơ, an toàn thực phẩm", Bộ trưởng nói.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, hướng đi của doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo của riêng doanh nghiệp trên cơ sở phát triển giống, các sản phẩm lúa gạo chất lượng cao, tập trung sản xuất theo hướng hữu cơ, giảm bớt phân bón, thuốc trừ sâu; hình thành những sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong nước cũng như của thế giới.

Muốn làm được điều này Chính phủ cần có những giải pháp khuyến khích, ưu tiên phù hợp, để vừa khuyến khích được sản xuất phát triển đem lại lợi nhuận cho người nông dân, nhà doanh nghiệp, đồng thời thực hiện được mục tiêu chuyển hướng phát triển nền nông nghiệp của chúng ta sang một nền nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ hữu cơ, đáp ứng trước hết cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước, xa hơn là nhu cầu xuất khẩu.

Công Mạo (TTXVN)
Tập trung xây dựng các mô hình khuyến nông thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp
Tập trung xây dựng các mô hình khuyến nông thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp

Ngày 24/2, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị “Triển khai kế hoạch khuyến nông Trung ương năm 2017”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN