Sản xuất hữu cơ - hướng đi bền vững cho cây chè Hà Giang

Một năm qua, việc công nhận cây Di sản Việt Nam cho quần thể 220 cây chè Shan tuyết cổ thụ ở xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, giữ gìn nguồn gen quý hiếm của giống chè vùng cao, đồng thời khích lệ người dân áp dụng phương pháp trồng, sản xuất chè Shan tuyết hữu cơ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao; từ đó mở ra hướng đi bền vững cho cây chè Shan tuyết Cao Bồ.

Những lợi ích ban đầu

Cao Bồ là một xã vùng III với điều kiện kinh tế - xã hội thuộc diện khó khăn nhất cả nước. Nơi đây tập trung đông người Dao sinh sống. Tuy địa hình núi dốc, quanh co hiểm trở nhưng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Cao Bồ rất thuận lợi để phát triển chè hữu cơ. Những năm qua, cây chè được xác định là cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế tại địa phương. Tính đến hết năm 2015, toàn xã có trên 900 ha chè, toàn bộ là chè Shan tuyết; trong đó khoảng 600 ha là chè Shan tuyết cổ thụ. Sản lượng chè tươi của xã năm 2015 đạt trên 2.600 tấn; với mức giá 15.000 đồng/kg chè tươi, bình quân mỗi hộ trồng chè ở Cao Bồ thu về khoảng 55 triệu đồng cả năm. Để bảo vệ nguồn gen của giống chè Shan tuyết Cao Bồ gắn với phát triển kinh tế, tháng 6/2015, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với huyện Vị Xuyên đã trao bằng công nhận cây Di sản Việt Nam cho quần thể 220 cây chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Cao Bồ.

Trồng chè đang là sinh kế của 715 trong tổng số 725 hộ dân, trong đó trên 640 hộ tham gia sản xuất chè hữu cơ. Việc công nhận cây di sản cho quần thể 220 cây chè Shan tuyết Cao Bồ góp phần quảng bá thương hiệu chè nơi đây; đồng thời giúp người dân yên tâm chuyên canh cây chè, chăm sóc và bảo vệ chè cổ thụ thông qua việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với cây trồng các loại để tránh ảnh hưởng đến chất lượng chè.

Đã mấy đời làm chè, gia đình ông Cháng Văn Hùng, thôn Chất Tiền, xã Cao Bồ hiện có khoảng 30 cây chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời trên 80 năm, cao khoảng 3 m, tán rộng 4 m. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 20 triệu đồng từ trồng và sơ chế chè. Ông Hùng cho biết: Từ khi xã có 220 cây chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận là cây Di sản Việt Nam, chè Shan tuyết Cao Bồ được biết đến nhiều hơn nên chè tươi của gia đình ông và các hộ xung quanh dễ bán hơn.

Nhằm khuyến khích các hộ dân bảo tồn chè Shan tuyết cổ thụ và thi đua phát triển sản xuất, xã Cao Bồ đã thành lập 4 nhóm sở thích sản xuất chè; mỗi nhóm có khoảng 10 - 20 hộ tham gia và chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, hái chè. Theo kế hoạch năm 2016, xã Cao Bồ vẫn giữ nguyên diện tích trên 900 ha chè hiện nay và tăng cường trồng dặm để tăng mật độ.

Cần tổ chức sản xuất bài bản

Không thể phủ nhận lợi ích của việc công nhận cây di sản đối với 220 cây chè Shan tuyết Cao Bồ, bởi người dân nơi đây đã dần chuyển đổi hình thức sản xuất chè từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa và nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ chè di sản Shan tuyết. Nhưng việc công nhận chỉ là tiền đề và chưa đủ để chè Shan tuyết Cao Bồ “sống” bền vững trong cơ chế thị trường hiện nay.

Chè Shan tuyết cổ thụ tại Hà Giang.

Theo quy luật thị trường, người nông dân thường chọn bán sản phẩm của mình cho người mua với giá cao nhất, dù đôi khi bấp bênh nhưng “tiền tươi thóc thật”. Còn phía doanh nghiệp thu mua, lập luận, mình là đơn vị sát cánh với nông dân nên họ phải ưu tiên bán cho mình. Ở Cao Bồ, vào từng thời điểm khác nhau, thương lái bên ngoài chọn mua các loại chè mà họ cần và thường đưa ra mức giá hấp dẫn; điều này khiến doanh nghiệp sở tại đôi khi lâm vào cảnh thiếu nguyên liệu.

Là đơn vị nhiều năm gắn bó với cây chè và người dân Cao Bồ, Công ty TNHH Thương Mại Hùng Cường đóng tại huyện Vị Xuyên đã hỗ trợ các hộ trồng chè ở Cao Bồ về phân bón hữu cơ, vốn và kỹ thuật; bù lại doanh nghiệp này kỳ vọng nông dân Cao Bồ ưu tiên bán sản phẩm cho mình. Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Công ty, chè Shan tuyết vùng cao xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, chẳng hạn như chè Shan tuyết Cao Bồ được xuất khẩu với giá 8 - 10 USD/kg. Do đó, để phát huy giá trị của chè Shan tuyết Cao Bồ, cần phải phát triển theo định hướng và có cơ chế kiểm soát, khắc phục tình trạng cạnh tranh không công bằng giữa các bên thu mua, gây bất ổn thị trường.

Liên quan đến kết nối giữa người trồng chè và doanh nghiệp, ông Lý Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Cao Bồ cho rằng: Bên cạnh việc cam kết mua bán rõ ràng với nông dân và đưa ra các phương án giá, doanh nghiệp nên đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu một cách bài bản, có thể sử dụng các hộ có diện tích trồng chè lớn làm thành viên trong chuỗi sản xuất của doanh nghiệp.

Để khắc phục những bất cập trên, ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: Huyện chỉ đạo ngành và các danh nghiệp quy hoạch và khoanh vùng, phân vùng cho nhà đầu tư. Theo đó, nếu doanh nghiệp muốn đầu tư vùng sản xuất chè ở xã nào, sẽ chịu trách nhiệm bao tiêu đầu ra cho sản phẩm ở xã đó và thông qua chính quyền huyện để hỗ trợ các hộ trồng chè, vay vốn theo Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND của tỉnh Hà Giang và các chính sách khác. Sau khi phân vùng, doanh nghiệp sẽ phải tự đề ra quy trình sản xuất và yêu cầu người trồng chè trong vùng quy hoạch phải tuân thủ các quy trình đó. Thời gian tới, huyện Vị Xuyên sẽ chú trọng sản xuất theo hướng nâng cao giá trị của sản phẩm chè, trong đó sản xuất gắn với trách nhiệm và uy tín, thương hiệu của từng hộ nông dân. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện tiếp tục quy hoạch chuyển đổi 100% diện tích chè kinh doanh sang thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP và chè hữu cơ để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm cho vùng chè nguyên liệu. Đối với các xã vùng cao, huyện Vị Xuyên sẽ triển khai quy hoạch vùng chè Shan tuyết hữu cơ với tổng diện tích là 2.720 ha, đến năm 2020 đưa diện tích được chứng nhận hữu cơ lên khoảng 2.000 ha.

Bên cạnh những cơ hội, hội nhập quốc tế cũng đặt ra thách thức không nhỏ cho nền kinh tế nước ta bởi đây là sân chơi toàn cầu với những yêu cầu và đòi hỏi khắt khe. Minh chứng rõ nhất là không ít những lô chè Việt Nam xuất khẩu phải quay đầu vì các nhà nhập khẩu từ chối do có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Trong khi đó, đáng mừng là chè Shan tuyết hữu cơ Cao Bồ đã chinh phục thành công nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Đức, Canada, Mỹ.
Hồng Quảng
Chè Shan tuyết Phình Hồ - tiềm năng bị bỏ ngỏ
Chè Shan tuyết Phình Hồ - tiềm năng bị bỏ ngỏ

Xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) hiện có 150 ha chè Shan tuyết cổ thụ với hơn 300 nghìn cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, sống ở độ cao từ 900 - 1.200 mét so với mực nước biển. Chất lượng chè ở đây được đánh giá không kém chè Suối Giàng ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN